PHẦN 2: CÁCH ĐO HUYẾT ÁP
IV. ĐO HUYẾT ÁP
Trên lâm sàng, để xác định huyết áp trước tiên cần dùng máy đo huyết áp và ống nghe. Băng quấn của máy đo bao quanh cánh tay trên khuỷu và bơm hơi vào trong băng quấn. Khi áp lực trong băng quấn lớn hơn áp lực tâm thu ở động mạch cánh tay, động mạch cánh tay bị ép và sẽ mất mạch quay. Khi áp lực trong băng quấn giảm từ từ đến lúc máu có thể tống qua chỗ tắc nghẽn tạo nên âm thanh nghe được bằng Ống nghe đặt trên động mạch cánh tay tại khuỷu. Những âm thanh này gọi là tiếng Korotkoff do thầy thuốc người Nga tên Korotkoff mô tả đầu tiên. Khi áp lực trong băng quấn giảm dần thì tiếng Korotkoff rõ lên, sau đó đột ngột giảm và nhanh chóng mất hẳn. Ngay lúc mất hẳn gọi là pha 5 của Korotkoff; pha này dùng để xác định huyết áp tâm trương trên lâm sàng. Tại thời điểm tiếng Korotkoff đột ngột giảm hẳn gọi là pha 4. Pha 4 đúng với huyết áp tâm trương nhất khi so sánh với áp lực trong lòng động mạch nhưng pha 5 dễ cho kết quả giống nhau hơn giữa những người đo khác nhau. Hình 2.15 minh họa mối liên quan giữa áp lực trong bao quấn với tiếng Korotkoff và áp lực động mạch.
Để đo huyết áp chính xác, cánh tay bệnh nhân để trần, băng quấn áp sát nhẹ nhàng. Cánh tay bệnh nhân để ngang tim ở tư thế thư giãn. Tốt nhất là kiểm tra huyết áp tâm thu bằng ngón tay trước khi đặt ống nghe. Bởi vì một số bệnh nhân có huyết áp rất cao, tiếng Korotkoff có thể biến mất rồi sau đó xuất hiện trở lại khi áp lực trong bao quấn giảm xuống. Hiện tượng này gọi là khoảng trống thính chẩn. Để đo được chính xác áp lực trong bao quấn nên giảm xuống từ từ, tốt nhất khoảng 1mmHg/giây. Huyết áp kế thủy ngân nên giữ thẳng đứng, không được nghiêng. Nếu sử dụng huyết áp kế đồng hồ phải thường xuyên điều chỉnh lại theo huyết áp kế thủy ngân vì huyết áp kế đồng hồ dễ sai lạc theo thời gian.
Hình 2.15: Mối liên quan giữa áp lực trong bao quấn máy đo với tiếng Korotkoff và áp lực động mạch.
Bệnh nhân có huyết áp cao thường có triệu chứng đi kèm như thay đổi đáy mắt, phì đại thất trái, đạm niệu. Những người không có triệu chứng biểu hiện, khi đo huyết áp ngẫu nhiên một lần duy nhất mà ghi nhận con số huyết áp cao, không được phép vội vã chẩn đoán xác định là tăng huyết áp. Đo huyết áp lặp đi lặp lại nhiều lần, kết quả những lần sau thường có xu hưóng thấp hơn lần trước. Nên nhớ có trường hợp khi đo ở bệnh viện ghi nhận huyết áp cao nhưng khi đo tại nhà hoặc qua kết quả của máy theo dõi huyết áp liên tục (holter) cho thấy huyết áp lại thấp hơn hoặc trở về bình thường. Nguyên nhân gây thay đổi huyết áp như vậy hiện còn bàn cãi. Như vậy cần đo huyết áp nhiều lần trước khi xác định là tăng huyết áp, nhất là ở những người không có tổn thương cơ quan đích. Những điểm quan trọng khi đo huyết áp được tóm tắt như sau:
– Mở trần cánh tay được đo.
– Để cánh tay ngang tim tư thế thư giãn.
– Kích thước băng quấn phù hợp: băng quấn lớn cho cánh tay mập, băng quấn nhỏ cho trẻ em.
– Xác định huyết áp tâm thu bằng tay trước khi áp ống nghe.
– Giảm áp lực bao quấn không nhanh hơn 1mmHg/giây.
– Xác định huyết áp tâm trương dựa vào pha 5 của Korotkoff (mất hẳn âm).
– Huyết áp kế đồng hồ cần điều chỉnh thường xuyên theo huyết áp kế thủy ngân.
– Nếu sử dụng huyết áp kế thủy ngân, phải để huyết áp kế thẳng đứng.