Thủng Loét Dạ Dày – Tá Tràng – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

PHẦN 2: GPB LỖ THỦNG LOÉT

2. GIẢI PHẪU BỆNH

2.1. LỖ THỦNG

2.1.1. Đặc điểm

Loét được định nghĩa là thương tổn từ lớp niêm mạc, xuyên qua lớp cơ niêm đến lớp cơ. Thủng ổ loét là khi thương tổn loét ở lớp cơ tiếp tục xuyên thủng qua lớp thanh mạc. Thủng hầu như chỉ có một lỗ và có thể xảy ra trên nền một ổ loét non, mềm mại hay trên một ổ loét xơ chai. Theo Đỗ Đức Vân, trên 2.481 trường hợp, thủng ổ loét non là 26% và ổ loét xơ chai là 74%. Theo Trần Thiện Trung, trên 115 trường hợp thủng ổ loét non là 28% và xơ chai là 72%.

Về mô bệnh học, thủng ổ loét chủ yếu là mạn tính, về thời gian, một số tác giả căn cứ vào tiền sử đau để phân biệt thủng ổ loét cấp hay mạn tính (nếu thời gian < 3 tháng là cấp tính và > 3 tháng là mạn tính). Tuy nhiên trong trường hợp thủng ổ loét “câm” (bệnh nhân không có tiền sử đau dạ dày, thủng là biểu hiện đầu tiên đưa bệnh nhân tới nhập viện) thì rất khó đánh giá và chẩn đoán cần dựa vào mô bệnh học.

2.1.2. Vị trí

Loét tá tràng có tần suất cao hơn loét dạ dày từ 3-4 lần. Vì vậy, trong biến chứng thủng do loét, thủng tá tràng gặp nhiều hơn thủng dạ dày. Theo Trần Thiện Trung trên 115 trường hợp, thủng ổ loét tá tràng là 96,5% và ở dạ dày là 3,5%. Theo Nguyễn Cường Thịnh trên 163 trường hợp, thủng ở tá tràng là 90,8%, ở dạ dày là 7,4% và thủng loét miệng nối là 1,8%. Trong đa số các trường hợp, vị trí ổ loét được xác định dễ dàng trong khi mổ căn cứ vào tĩnh mạch Mayo (trước môn vị) và cơ môn vị… Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, ổ loét thủng kèm theo phù nề, co kéo và viêm dính nên khó xác định chính xác vị trí.

Hầu hết là thủng của loét mặt trước hành tá tràng hoặc của loét dạ dày gây ra viêm phúc mạc. Ở dạ dày, đôi khi thủng vào hậu cung mạc nối gây áp xe hậu cung mạc nối.

Thủng trong trường hợp ổ loét đối nhau (kissing ulcer), theo Trần Thiện Trung là 3,52% và theo Debas và Mulvihill là 5-10%. Ở các trường hợp này, loét thủng có thể kèm theo biến chứng chảy máu, biến chứng này xảy ra cùng lúc hay mấy ngày sau khâu thủng.

2.1.3. Kích thước lỗ thủng

Kích thước lỗ thủng thay đổi tùy theo vị trí. Ở tá tràng lỗ thủng có kích thước thường nhỏ hơn 1cm, trong khi đó ở dạ dày thường to có khi từ 2-2,5cm hay hơn. Trong trường hợp thủng ở dạ dày, cần phân biệt ổ loét lành hay ác. Ổ loét ác tính thường có bờ dốc, gồ cao, cứng và cần phải dựa vào mô bệnh học để chẩn đoán xác định.

2.1.4. Bờ lỗ thủng

Trong trường hợp ổ loét xơ chai, bờ ổ loét thủng thường rắn và sượng, khi khâu nếu không cắt bỏ mô xơ chai xung quanh bờ ổ loét, hay cắt không đủ rộng vào mô mềm mại, chỉ khâu sẽ làm rách tổ chức và có thể bị bục. Trường hợp ổ loét non mềm mại thì khâu lại dễ dàng.

2.2. TÌNH TRẠNG Ổ BỤNG

Ngay sau khi thủng, dịch dạ dày-tá tràng tràn vào khoang phúc mạc và trong những giờ đầu gây nên viêm phúc mạc hóa học. Lúc này dịch trong ổ bụng vô trùng, phúc mạc bị kích thích do acid của dịch vị. Rất khó xác định thời gian là bao lâu để viêm phúc mạc hóa học trở thành viêm phúc mạc vi khuẩn. Khi chưa nhiễm khuẩn thì dịch trong xoang bụng có màu đục, xanh xám hay vàng nhạt do có lẫn dịch mật, khôrig mùi và hơi chua, dịch hơi sánh và nhơn nhớt, có thể có cả thức ăn nát vụn như hạt cơm, rau, giá… chưa tiêu hóa hết. Về sau dịch trong ổ bụng bị nhiễm khuẩn, lúc này viêm phúc mạc hóa học trở thành viêm phúc mạc vi khuẩn và thành mủ. Khi bệnh nhân đến muộn, ổ bụng sẽ có rất nhiều màng giả dính vào các tạng lân cận trên và dưới gan, giữa các quai ruột và nhiều nhất là tại chỗ thủng.

Thời gian để viêm phúc mạc hóa học trở thành viêm phúc mạc vi khuẩn, có thể trên 12 giờ hoặc 18-24 giờ sau khi thủng.

Tham khảo thêm: https://daivietmedical.vn/

Để biết thêm thông tin về giá máy, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline: 0971.199.798 Mr.Sơn

THIẾT BỊ Y TẾ ĐẠI VIỆT – Nhập khẩu và phân phối hàng thiết bị y tế chính hãng tại Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *