PHẦN 4: CÁC DẠNG MẠCH BẤT THƯỜNG
VIII. MỘT SỐ MẠCH ĐỘNG MẠCH VÀ TĨNH MẠCH BẤT THƯỜNG
1. Mạch động mạch
– Mạch bình thường: áp lực khoảng 30-40 mmHg. Mạch mềm mại và tròn.
– Mạch yếu nhẹ: nhánh lên có thể chậm, đỉnh kéo dài. Nguyên nhân có thể do giảm thể tích nhát bóp như suy tim, giảm thể tích tuần hoàn, hẹp động mạch chủ nặng hoặc do tăng kháng lực ngoại vi do quá lạnh hoặc do suy tim quá nặng.
– Mạch nẩy mạnh: do áp lực mạch tăng, mạch mạnh và nẩy. Mạch tăng và giảm đột ngột chủ yếu cảm nhận được đỉnh của mạch. Nguyên nhân gồm (1) tăng thể tích nhát bóp và/hoặc giảm kháng lực ngoại vi như sốt, thiếu máu, cường giáp, hở chủ, dò động tĩnh mạch, còn ống động mạch, (2) tăng thể tích nhát bóp do nhịp tim chậm như trong blốc nhĩ thất hoàn toàn, (3) độ đàn hồi của thành động mạch chủ giảm như xơ vữa động mạch hoặc mạch máu của người lớn tuổi.
– Mạch hai đỉnh: mạch có hai đỉnh tâm thu. Nguyên nhân gồm hở van động mạch chủ đơn thuần, hẹp hở van động mạch chủ và ít gặp hơn là bệnh cơ tim phì đại.
– Mạch xen kẽ: nhịp vẫn đều nhưng một nhịp mạnh xen kẽ một nhịp yếu. Nguyên nhân do suy thất trái, trên lâm sàng thường kèm tiếng T3.
– Mạch đôi: đây là rối loạn nhịp dễ nhầm với mạch xen kẽ. Mạch đôi là do một nhát bóp tim bình thường xen kẽ với một nhịp ngoại tâm thu. Thể tích nhát bóp của ngoại tâm thu thì ít hơn so với nhát bóp bình thường.
– Mạch nghịch: cường độ mạch giảm khi hít vào. Nếu không rõ thì đo huyết áp. Huyết áp tâm thu giảm hơn 10 mmHg. Gặp trong chèn ép tim cấp, viêm màng ngoài tim co thắt và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
2. Mạch tĩnh mạch
– Mạch bình thường: có hai đỉnh a và v (như đã nói ở phần trên).
– Mạch trong rung nhĩ: mất sóng a.
– Mạch trong hở van ba lá: sóng v lớn và đến sớm hơn sóng v bình thường.
– Mạch có sóng a khổng lồ: gặp trong hẹp van ba lá, bệnh phổi mạn tính, hẹp động mạch phổi, tăng áp mạch phổi.
– Mạch trong viêm màng ngoài tim co thắt: có nhánh xuống x khồng lồ xuất hiện ngay khi khởi đầu tâm thu.




TÀI LIỆU THAM KHẢO
- James c. Fang, Patrick T. O’Gara (2008). The History and Physical Examination: An Evidence – Based Approach. Braunwald’s Heart Disease – A Textbook of Cardiovascular Medicine, 6111 ed, Elsevier Saunders, Philadelphia, pp. 125-148.
- Lynn S. Bickley (1999). Bate’s guide to Physical Examination and History Taking, 7111 ed, Lippincott Williams & Wilkins, Philadelphia, pp. 277-332.
- Clinical examination 1993- Mosby’s Year book Europe Ltd. Epstein- Perkin de Bono Cookson pp 7.1-7.51.