Đây là hai trường hợp mà cả cha và mẹ đều là người dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An vào làm thuê ở huyện Đồng Phú.
Ngày 19/8, Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) cho biết trên địa bàn huyện vừa phát hiện hai trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn sau khi hai sản phụ tự cắt rốn cho trẻ bằng kéo sinh hoạt sau khi sinh. Đây là hai trường hợp uốn ván đầu tiên sau hơn 10 năm trên địa bàn không có trẻ bị uốn ván.
Trường hợp thứ nhất là bé gái X.Y.D. (sinh ngày 27/6/2023, dân tộc Mông; trú tại ấp Pa Pếch, Xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú).
Nơi ở của bé X.Y.D. tại ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng. Ảnh: Báo Bình Phước
Theo chị Lầu Y Giải (mẹ cháu bé), sau khi sinh được 6 ngày, bé bỏ bú, quấy khóc, xuất hiện tình trạng cứng hàm, không há miệng để bú được, không có tình trạng co giật, được người nhà đưa đến Bệnh viện Quân dân y, Binh đoàn 16 để khám. Tại đây, do trẻ sơ sinh quá nhỏ, bệnh viện hướng dẫn chuyển bé lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước để được khám và điều trị. Tuy nhiên, gia đình đã đưa bé đi thẳng xuống Bệnh viện Nhi Đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 3/7. Đến ngày 12/8, bé được xuất viện, chẩn đoán uốn ván sơ sinh.
Trường hợp thứ 2 là bé trai L.A.V. (sinh ngày 3/7/2023, dân tộc Mông; trú tại khu tập thể Nông trường cao su Lam Sơn 1, ấp Lam Sơn, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú).
Nơi ở của bé L.A.V ở ấp Lam Sơn, xã Tân Phước. Ảnh: Báo Bình Phước
Chị Xồng Pá Dài (mẹ của cháu bé) cho biết, sau khi sinh được 10 ngày, ngày 12/7/2023, bé bỏ bú, quấy khóc, xuất hiện tình trạng cứng hàm, không há miệng để bú được, kèm theo co giật. Người nhà đưa bé đến Phòng khám Sài Gòn – Bù Na, thuộc huyện Bù Đăng để khám. Tại đây, Phòng khám hướng dẫn gia đình đưa bé lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước để được khám và điều trị. Sau đó, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị. Bé được chẩn đoán uốn ván sơ sinh.
Theo kết quả giám sát, xác minh ca bệnh của Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú, đây là hai trường hợp mà cả cha và mẹ đều là người dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An vào làm thuê ở huyện Đồng Phú. Trong thời gian mang thai, cả hai thai phụ đều không được khám thai định kỳ và chưa được tiêm vaccine phòng uốn ván, khi sinh lại không sinh ở cơ sở y tế mà sinh ngay tại phòng ở, nhờ người không có kiến thức chuyên môn đỡ đẻ, cắt rốn bằng kéo sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, cột bằng chỉ khâu (đều không được vô khuẩn), không băng bó rốn đúng cách, từ đó dẫn đến cả hai trẻ đều bị nhiễm uốn ván.
Trung tâm Y tế huyện đang tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe của hai trẻ, đồng thời tổ chức tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, nhất là đối với trẻ sơ sinh.