Trẻ ăn nhiều kẹo, uống nước ngọt gây dậy thì sớm?

Nhiều thông tin cho rằng trẻ dậy thì sớm là do ăn nhiều kẹo, uống nước ngọt nhiều. Sự thật có phải vậy?

Các chia sẻ trên mạng xã hội về bánh, kẹo gây dậy thì sớm ở trẻ - Ảnh: Chụp màn hình
Các chia sẻ trên mạng xã hội về bánh, kẹo gây dậy thì sớm ở trẻ – Ảnh: Chụp màn hình

Trên mạng xã hội, nhiều cha mẹ chia sẻ hàng loạt bài viết liên quan đến việc trẻ ăn bánh kẹo, sữa, đồ ngọt gây ra dậy thì sớm. Các bài viết khẳng định việc ăn bánh kẹo nhiều làm trẻ dậy thì sớm. Những bài viết thống kê hàng loạt danh sách về các sản phẩm khiến trẻ dậy thì sớm.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhận định thông tin ăn bánh kẹo, uống nước ngọt, sữa dẫn đến dậy thì sớm là không hoàn toàn chính xác.

Theo bác sĩ Hưng, việc sử dụng các loại bánh kẹo ngọt hay đồ uống ngọt có kiểm soát, dùng đúng số lượng và độ tuổi sử dụng của nhà sản xuất khuyến cáo, không lạm dụng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Thực tế, bản chất các loại kẹo, bánh, nước ngọt đều có chứa rất nhiều đường. Dù là trẻ con hay người lớn nếu tiêu thụ quá nhiều đường sẽ gây hại cho sức khỏe, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì, tiểu đường, huyết áp, tim mạch…

Vì vậy, khi trẻ con lạm dụng kẹo bánh, nước ngọt sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Trong khi đó, trẻ béo phì có khả năng dậy thì sớm. Có thể xếp loại đồ ăn nhiều đường là yếu tố nguy cơ dẫn tới dậy thì sớm ở trẻ chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp”, bác sĩ Hưng cho hay.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng trẻ tiếp xúc với hóa chất độc hại, thói quen lười vận động, ăn nhiều đồ chiên rán cũng là những yếu tố nguy cơ khiến trẻ dậy thì sớm.

Theo bác sĩ Hưng, trẻ bị thừa cân, béo phì có nguy cơ dậy thì sớm. Tuy nhiên, để phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ thì cần có những biện pháp tổng thể, không chỉ ở một số thực phẩm hay sản phẩm nào.

“Tuy nhiên, một vấn đề mà các cha mẹ cần lưu ý khi cho con ăn các loại bánh, kẹo, sữa… cần chú ý về khuyến cáo độ tuổi sử dụng của nhà sản xuất. Ví dụ, nhiều loại sữa khuyến cáo cho trẻ trên 1 tuổi, trên 3 tuổi, trên 6 tuổi.

Mỗi loại thức uống cho trẻ sẽ có thành phần, hàm lượng khác nhau, phù hợp với từng độ tuổi. Nếu cho trẻ ăn, uống các sản phẩm dưới mức khuyến cáo có thể gây dư thừa năng lượng, dẫn đến thừa cân”, bác sĩ Hưng nói.

Theo bác sĩ Trần Văn Lưu (Bệnh viện Nội tiết trung ương), để phòng ngừa dậy thì sớm cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể chất, nghỉ ngơi hợp lý.

Về chế độ ăn, trẻ cần có chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao. Bên cạnh đó, cần tăng cường vận động cho trẻ, khuyến khích trẻ tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Đặc biệt, cha mẹ cần cho trẻ ngủ đúng giờ, không thức khuya. Nguyên nhân bởi khi thức khuya làm giảm bài tiết melatonin trong tuyến yên, hormone ức chế giải phóng gonadotropin tuyến yên và ngăn ngừa dậy thì sớm.

Không cho trẻ tiếp xúc với estrogen và testosterone có trong kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormone sinh dục. Trẻ cần được đi khám sớm nếu có các dấu hiệu của dậy thì sớm ở cả trẻ nam và nữ.

Khi nào trẻ được đánh giá là dậy thì sớm?

Theo bác sĩ Lưu, dậy thì sớm là tình trạng trẻ bắt đầu dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.

Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái là cân nặng, chiều cao tăng nhanh; ngực phát triển; mọc lông mu, lông nách; bắt đầu có kinh nguyệt.

Ở bé gái, dấu hiệu dậy thì sớm là chiều cao, cân nặng phát triển nhanh chóng; ở bé trai là tinh hoàn hoặc dương vật phát triển; xuất hiện lông mu; giọng trầm.

Dậy thì sớm có thể gây ảnh hưởng tới thể chất, chiều cao, sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ. Vì vậy, khi con có dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám, đánh giá và có biện pháp can thiệp phù hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *