TPHCM: Ghi nhận 33 ca mắc đậu mùa khỉ, tất cả là nam giới

Tính từ đầu năm 2023 đến hết ngày 22/10, TPHCM đã ghi nhận 33 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, tất cả các bệnh nhân là nam. Trong đó có 85% là bệnh nhân MSM.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM chiều ngày 26/10, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin một số vấn đề liên quan đến tình hình dịch đậu mùa khỉ trên địa bàn.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, tính từ đầu năm 2023 cho đến ngày 22/10, thành phố ghi nhận 33 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, được khẳng định bằng xét nghiệm PCR. Hiện đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong trên nền suy giảm miễn dịch.

Bên cạnh đó, 8 bệnh nhân đã hoàn thành 14 ngày cách ly điều trị theo quy định, các vết sang thương trên cơ thể đã khỏi hoàn toàn.

TPHCM: Ghi nhận 33 ca mắc đậu mùa khỉ, 100% ca mắc là nam giới - Ảnh 1.
Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC).

Theo bà Lê Hồng Nga, tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ ở TPHCM cũng tương đồng với tình trạng bệnh trên thế giới. Theo đó, 100% bệnh nhân đậu mùa khỉ đến khám và sống tại TPHCM đều là nam giới. Trong khi đó, trên thế giới ước tính 95% bệnh nhân là nam. Đáng chú ý, có 85% là bệnh nhân MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Theo thống kê trên toàn thế giới có khoảng 50% là bệnh nhân nhiễm HIV mắc đậu mùa khỉ. Người nhiễm HIV hoặc không nhiễm đều có nguy cơ mắc đậu mùa khỉ như nhau nếu như bệnh nhân có tiếp xúc trực tiếp với da, bộ phận sinh dục… của những người đang mắc đậu mùa khỉ.

Bà Nga cho biết thêm, hiện trong cộng đồng vẫn còn có những người mắc bệnh nhưng không đi khám, nhất là đối với loại bệnh có thể tự khỏi như đậu mùa khỉ. Bệnh đậu mùa khỉ vẫn có thể tự khỏi từ 2-4 tuần.

Tuy nhiên, nếu người HIV không được chăm sóc, điều trị ARV đầy đủ hoặc có nguyên nhân suy giảm miễn dịch khác khi nhiễm đậu mùa khỉ có nguy cơ chuyển nặng cao hơn. Đồng thời, bệnh có thể trở nặng hơn ở các nhóm đối tượng như thai phụ, người cao tuổi, trẻ em, người bị suy giảm miễn dịch…

Để phòng chống bệnh bùng phát trên địa bàn, ngành y tế thành phố đã tăng cường giám sát, tiến hành tập huấn cho tất cả các phòng khám, bệnh viện trên địa bàn.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo: “Người dân khi phát hiện người thân hoặc những người xung quanh có triệu chứng cảnh báo bệnh cần tăng cường vận động, tư vấn cho người bệnh đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Khi biết bản thân mắc bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *