Tại sao vắc xin tiêm chủng mở rộng vẫn thiếu?

Đại diện Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho hay vắc xin 5 trong 1 là vắc xin nhập khẩu nên thời gian cung ứng phụ thuộc nhất định vào nhà sản xuất nước ngoài và đơn vị trúng thầu.

Trẻ tiêm phòng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế - Ảnh: THU HIẾN
Trẻ tiêm phòng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế – Ảnh: THU HIỀN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết đơn vị đang khẩn trương thực hiện mua sắm vắc xin để tiêm cho trẻ.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai với 11 loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ em. Hầu hết các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng được sản xuất trong nước, có 2 loại vắc xin nhập khẩu là vắc xin phối hợp 5 trong 1 và vắc xin phòng bệnh bại liệt tiêm (IPV). Riêng đối với vắc xin phòng bệnh bại liệt tiêm (IPV) đến thời điểm này vẫn đang được GAVI hỗ trợ.

Đại diện Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng thừa nhận hiện các vắc xin sản xuất trong nước có xảy ra tình trạng thiếu cục bộ rải rác tại một số địa phương.

“Việc cung ứng vắc xin trong năm 2023 đang được Bộ Y tế chỉ đạo sát sao các đơn vị liên quan. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thực hiện theo đúng các quy định hiện hành”, vị này khẳng định.

Cụ thể, đối với các vắc xin sản xuất trong nước, căn cứ vào đề xuất nhu cầu số lượng của các địa phương năm 2023 và gối đầu đến tháng 6-2024, Bộ Y tế đã khẩn trương đặt hàng với các nhà sản xuất trong nước để cung ứng trong năm 2023.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục tiếp theo để có thể tiếp nhận được vắc xin sớm nhất từ nhà sản xuất, dự kiến trong quý 4-2023, các vắc xin sản xuất trong nước sẽ tiếp tục được cung ứng cho tiêm chủng mở rộng.

“Đối với vắc xin phối hợp 5 trong 1 phải thực hiện, tuân thủ các thủ tục đấu thầu mua vắc xin và nhập khẩu theo quy định. Trong tháng 10, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đang khẩn trương thực hiện các thủ tục đấu thầu cung ứng vắc xin.

Tuy nhiên, do vắc xin 5 trong 1 nhập khẩu nên thời gian cung ứng phụ thuộc nhất định vào nhà sản xuất nước ngoài và đơn vị trúng thầu. Hiện đơn vị đang nỗ lực tối đa để sớm có vắc xin sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên”, vị này cho hay.

Vắc xin tiêm chủng mở rộng liên tục thiếu hụt

Nguồn cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn từ đầu năm 2023, khi có thay đổi về cơ chế mua vắc xin. Mọi năm vắc xin tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đảm nhiệm mua sắm, phân bổ. Tuy nhiên khi kết thúc chương trình mục tiêu y tế – dân số, việc mua vắc xin trong chương trình được giao về cho các địa phương.

Thời điểm đó, địa phương gặp khó trong việc tìm nguồn cung ứng, đấu thầu dẫn đến tiêm chủng bị gián đoạn. Từ tháng 3-2023, các địa phương liên tục thông tin về tình trạng “cạn” vắc xin, không có vắc xin tiêm cho trẻ theo lịch tiêm chủng. Bộ Y tế đã sử dụng nguồn vắc xin 5 trong 1 từ các nguồn viện trợ để phân bổ cho các địa phương.

Gần đây nhất, ngày 11-10, TP.HCM lại tiếp tục thông báo chỉ còn đủ vắc xin tiêm chủng mở rộng trong 2 tuần. Tại Hà Nội, nhiều trạm y tế cũng thông báo không còn một số loại vắc xin. Trẻ muốn tiêm vắc xin buộc phải đợi hoặc lựa chọn tiêm dịch vụ.

Tại Hà Nội, đại diện Sở Y tế thành phố cũng thông tin một số loại vắc xin bị gián đoạn. Cụ thể, vắc xin DPT hết từ tháng 4-2023, vắc xin sởi đơn hết từ tháng 9-2023, viêm gan B hết từ tháng 10- 2023. Đối với vắc xin 5 trong 1 còn đủ tiêm chủng đến tháng 12.

Bộ Y tế đã trình Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương để mua vắc xin trong chương trình. Đến ngày 10-7, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương mua vắc xin tiêm chủng mở rộng.

Sau 3 tháng được đồng ý phân bổ ngân sách trung ương, đến nay việc cung ứng vắc xin vẫn bị gián đoạn, nhiều trẻ em đứng trước nguy cơ bỏ lỡ tiêm chủng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *