Khi nhập viện hoặc trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là các thuốc dạng tiêm truyền, người bệnh thường nhận được câu hỏi từ bác sĩ về tiền sử dị ứng của bản thân và gia đình.
Câu hỏi tuy không khó nhưng có thể khiến nhiều người cảm thấy bối rối, bởi lẽ có nhiều người không chủ đích chú ý hoặc không nhận diện được các dấu hiệu bất thường của bản thân khi thay đổi thời tiết hoặc tiếp xúc với tác nhân lạ.
Hiểu biết cơ bản về dị ứng sẽ giúp chúng ta nhận diện được nguy cơ của bản thân hoặc người thân trong gia đình. Điều này rất quan trọng bởi khi phản ứng dị ứng xảy ra thường có nguy cơ tiến triển nhanh đến sốc phản vệ – tình trạng cấp cứu nguy hiểm trong y khoa.
Theo CDC Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 7 triệu người đến khám vì dị ứng. Trên thực tế, hằng năm đều có nhiều trường hợp bị dị ứng thuốc, thức ăn, hóa chất… dẫn tới sốc phản vệ, kể cả với trẻ em và người lớn.
Khi nào xác định bạn bị dị ứng?
Dị ứng là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch nhằm chống lại tác nhân gây dị ứng (thuốc, vi sinh vật, thức ăn, bụi nhà, phấn hoa…). Lúc này cơ thể sẽ sinh ra kháng thể IgE và kích thích giải phóng ra histamin và các chất trung gian hóa học khác. Từ đó gây ra các biểu hiện ở nhiều cơ quan trong cơ thể từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Đường hô hấp: Do hít phải chất gây dị ứng như khói, bụi, phấn hoa, nấm mốc…
Đường tiêu hóa: Do ăn phải các thực phẩm gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, trứng, sữa … hoặc do uống thuốc .
Đường tiếp xúc qua da: Do tiếp xúc với chất gây dị ứng qua da như mỹ phẩm, hóa chất giặt tẩy…
Đường tuần hoàn: Do tiêm hoặc truyền thuốc vào hệ thống mạch máu như các thuốc kháng sinh, thuốc gây tê, chất cản quang dùng trong chẩn đoán hình ảnh…
Các triệu chứng dị ứng khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của từng người và tác nhân gây dị ứng. Chúng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau vài phút, vài giờ tiếp xúc với dị nguyên (nguyên nhân gây dị ứng).
Trường hợp nhẹ thường có một trong các biểu hiện sau: Hắt hơi, ngứa hoặc nghẹt mũi; chảy nước mũi trong hoặc có màu nhạt; mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt; ngứa quanh mũi, miệng hoặc mẩn ngứa ngoài da …
Trường hợp nặng: Khi các triệu chứng xuất hiện ở ít nhất 2 cơ quan trở lên và có thể tiến triển đến sốc phản vệ bao gồm:
Tại da: Ngứa, mẩn đỏ toàn thân, nổi mề đay, sưng tấy vùng mặt, quanh môi.
Tại miệng: Sưng tấy môi, lưỡi và có thể nổi các mụn phỏng nước trong miệng.
Tại đường hô hấp: Cảm giác khó thở, thở khò khè kèm ho, tức ngực…
Tại tim mạch: Mạch nhanh, yếu, huyết áp thấp, da lạnh …
Tại đường tiêu hóa: Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…
Có thể đi kèm người bệnh thấy lo lắng, sợ hãi, vã mồ hôi lạnh…
Sau khi tiếp xúc với bất kỳ tác nhân nào mà có biểu hiện bất thường như trên cần ngừng ngay việc tiếp xúc với tác nhân đó.
Trong trường hợp dị ứng nhẹ có thể sử dụng một số thuốc chống dị ứng tại nhà như thuốc kháng histamin dạng uống; thuốc xịt mũi, chống nghẹt mũi hoặc corticoid dạng xịt mũi…
Xử trí thế nào khi bị dị ứng?
Trong trường hợp nặng, cần nhanh chóng nhập viện để được xử trí kịp thời, không được trì hoãn tại nhà.
Ghi nhật ký triệu chứng: Ghi lại chi tiết thời điểm, hoàn cảnh xảy ra triệu chứng (ở nơi làm việc, ở nhà hoặc theo mùa…) hoặc bất kỳ sản phẩm mới nào đã dùng, thực phẩm nào đã ăn, thuốc nào đã sử dụng…
Ghi lại tần suất bị dị ứng khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Ghi lại biểu hiện, mức độ nghiêm trọng của những lần bị dị ứng.
Ghi lại thông tin về các bệnh dị ứng (hen phế quản, viêm mũi dị ứng, eczema…) mà bố mẹ hoặc anh em ruột mắc phải. Nếu một người có bố hoặc mẹ bị các bệnh dị ứng thì nguy cơ bị dị ứng khoảng 20 – 40%; nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh dị ứng thì tỉ lệ mắc bệnh dị ứng đó lên tới 50 – 80%.
Lúc này, các bác sĩ sẽ dựa vào thông tin mà bạn cung cấp để xác định bạn có thuộc đối tượng nguy cơ cao bị dị ứng hay không và sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm tiêu bạch cầu, test dị ứng… trước khi dùng thuốc cho bạn.
Tránh tối đa việc tiếp xúc lại với tác nhân gây dị ứng như không dùng lại loại thuốc, thực phẩm; đeo khẩu trang khi đến nơi có nguy cơ tiếp xúc cao…
Luôn mang sẵn các thuốc chống dị ứng trong người như thuốc uống kháng histamin, thuốc xịt… Nhiều trường hợp cơ địa quá mẫn cảm, sẽ được khuyến cáo mang theo thuốc epinephrine dạng tiêm. Ở nhiều nước trên thế giới đã có epinephrine dạng ống tiêm tự động.
Ghi nhớ tác nhân gây dị ứng, đặc biệt là tên loại thuốc đã gây dị ứng. Bạn có thể chụp ảnh hoặc ghi lại tên thuốc ra giấy và luôn mang theo trong ví. Hãy cung cấp những thông tin này cho nhân viên y tế hoặc dược sĩ khi cần thiết.
Không sử dụng các dịch vụ tiêm truyền thuốc tại nhà, bởi nguy cơ sốc phản vệ rất cao trong khi không có phương tiện cấp cứu.
Trước khi sử dụng bất kỳ một tác nhân mới nào (có thể là một món ăn mới, một loại mỹ phẩm mới hoặc một loại thuốc mới…) mà chưa rõ bản thân có dị ứng hay không, bạn cần phải xem xét kỹ thành phần, khi dùng với thái độ hết sức thận trọng theo nguyên tắc ít một và lắng nghe bản thân. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường, cần ngừng ngay lập tức và theo dõi bản thân.
Dị ứng, đặc biệt là sốc phản vệ luôn là nỗi ám ảnh với người bệnh, là mối quan tâm của nhân viên y tế, bởi tính chất nguy hiểm, diễn biến đột ngột và di chứng về lâu dài, đặc biệt ở những người có cơ địa dị ứng. Mỗi người cần chủ động trang bị kiến thức về dị ứng cho mình và cung cấp cho các bác sĩ hoặc dược sĩ trong trường hợp cần thiết. Đây cũng là một cách bảo vệ bản thân và người thân, đặc biệt là trẻ em hữu hiệu.