Dù kỹ thuật ghép mô tạng tại nước ta tương đồng thế giới, nhưng số người đăng ký hiến mô tạng sau chết và chết não thấp nhất thế giới.
Sáng 3-2, tại TP.HCM, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam họp bàn chương trình truyền thông, vận động hiến mô tạng năm 2024 trước thực trạng nhu cầu ghép mô tạng ngày càng tăng trong khi nguồn hiến tặng không đáp ứng nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam – cho hay nước ta đã ghép được tất cả các bộ phận trên cơ thể người và ngang tầm với các nước trong khu vực. Nhiều bệnh nhân đã được cứu sống sau khi ghép tạng.
Tuy nhiên, khó khăn và trở ngại lớn nhất là nguồn mô tạng từ người hiến sau chết và người chết não.
Hiện số người đăng ký hiến mô tạng tại Việt Nam đang thấp nhất thế giới và không có trong danh sách các quốc gia có tỉ lệ người đóng góp hiến mô tạng (dưới 1% dân số).
Bên cạnh đó, tại các bệnh viện ghi nhận nhiều bệnh nhân chết não nhưng tỉ lệ bệnh nhân hiến tạng sau chết não rất ít. Hiện tỉ lệ người hiến tạng sau chết não tại Việt Nam cũng thấp nhất thế giới.
Lấy ví dụ điển hình những quốc gia có tỉ lệ người hiến mô tạng cao trên thế giới, bà Tiến nhắc đến Tây Ban Nha. Đây là quốc gia có tỉ lệ người hiến mô tạng cao và kết quả ghép mô tạng thành công nhất trên thế giới.
Công dân tại đây khi được cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip thì đã đăng ký hiến tạng, trừ trường hợp chống chỉ định. Do đó tỉ lệ người hiến tạng sau chết não tại Tây Ban Nha rất cao, với mỗi năm có 42.000 người được ghép, giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc – phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế) – cho hay so với những năm trước, số lượng người hiến mô tạng trong năm 2023 tăng nhiều, với khoảng 85.000 người (năm 2018 chỉ có 20.000 người).
Đây là tin mừng cho thấy cộng đồng xã hội ngày càng quan tâm việc đăng ký hiến mô tạng, tuy nhiên con số này còn rất khiêm tốn.
Ngoài ra, hình thức đăng ký hiến mô tạng đến nay vẫn còn hạn chế. Thực tế không phải ai có nguyện vọng hiến mô tạng sau chết cũng đến được bệnh viện để đăng ký trực tiếp hoặc phải mất nhiều thời gian khi gửi đơn từ xa qua đường bưu điện.
Trước khó khăn này, ông Phúc cho rằng cần phải thay đổi hình thức đăng ký như đăng ký online qua ứng dụng điện thoại. Để làm được điều này, Bộ Y tế phải ban hành quyết định sửa đổi hình thức đăng ký hiến mô tạng cho phù hợp. Trên cơ sở đó sẽ tích hợp thông tin đăng ký hiến mô tạng vào thẻ CCCD.
“Tất cả mọi thứ đều vô thường. Sinh – lão – bệnh – tử là quy luật của tự nhiên, việc hiến mô tạng sau chết rất ý nghĩa, tại sao chúng ta lại không làm. Bằng cách này, không chỉ giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được sống mà việc đăng ký hiến tạng cũng cho chính bản thân họ một hạnh phúc vô bờ bến”, ông Phúc chia sẻ.