Vào thời điểm từ tháng 5 – 9 hằng năm, nhiều quả rừng đang chín rộ, là dịp nghỉ hè của học sinh nên thường xảy ra các vụ ngộ độc do trẻ ăn phải quả hồng châu.
Quả hồng châu. Ảnh: VFA
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang, trong 2 ngày vừa qua, 31/7-1/8/2023 trên địa bàn huyện Đồng Văn, Hà Giang xảy ra liên tiếp 2 vụ ngộ độc do ăn quả hồng châu. Cụ thể: Tại thôn Chua Só, xã Tả Lủng, có 3 trẻ mắc, trong đó có 1 trẻ tử vong; Thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, có 8 trẻ mắc và 1 vụ ngộ độc do ăn bánh trôi ngô tại thôn Tìa Cua Si, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, có 3 trường hợp mắc.
Để chủ động có các biện pháp dự phòng tích cực, phát hiện sớm xử trí kịp thời, không để các vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra, hạn chế biến chứng nặng và tử vong do ngộ độc thực phẩm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang đã tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Tập trung tuyên truyền vào các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa về những loại rau, củ, quả rừng thường xảy ra ngộ độc tại địa phương, đặc biệt là nấm độc, bột ngô mốc và các loại rau quả rừng, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân ngay tại cộng đồng.
Cây hồng châu có tên khoa học (Capparis versicolor Griff), họ Màn màn (Capparaceae). Tên gọi theo địa phương khác là: cây Rom, cây Mề gà, cây Khua mật, cây Móc quạ (Thái Nguyên), chi pản sloa (Cao Bằng)… Cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá, nó thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11-12 cm, màu của lá xanh đậm. Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa vào trong có lớp vỏ mầu hồng, mỗi quả có từ 4 – 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp. Quả hồng châu chín vào thời gian tháng 6, 7, 8 hằng năm.
Ngộ độc quả hồng châu dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch
Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp. Thử nghiệm trên động vật cho thấy liều tối thiểu gây chết (LDmin) qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).
Cấp cứu và điều trị ngộ độc do ăn quả hồng châu
Khi bị ngộ độc hồng châu, không có thuốc điều trị đặc hiệu; điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Cần vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để bệnh nhân đi bộ). Gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, uống than hoạt với liều 1-2 g/kg thể trọng kèm theo 4-6 gói sorbitol (nếu không có thể cho uống lòng trắng trứng), tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim, trợ hô hấp, chống co giật, chống phù phổi cấp), xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu.
Cách xử trí nhanh khi thấy xuất hiện các hiện tượng ngộ độc thực phẩm
Gây nôn (bằng biện pháp cơ học) ngay lập tức. Cho người bệnh uống nước và gây nôn; Uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh; Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol; Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất; Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng; Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.
Để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, tuyệt đối không ăn các loại cây quả lạ mọc trong rừng dù chỉ ăn thử một lần. Tuyệt đối không ăn bột ngô để lâu ngày sinh ra nấm mốc gây ảnh hưởng sức khỏe con người dễ dẫn đến tử vong. Khi thấy trong người xuất hiện các các triệu chứng ngộ độc cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.