Trong khuôn khổ chuyến công tác Mỹ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm, chứng kiến lễ ký kết hợp tác về nghiên cứu thuốc giữa Viện nghiên cứu Tamri (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) và Viện nghiên cứu vi sinh và phòng chống dịch của Đại học Stanford.
Đây được xem là sự kiện quan trọng nhằm cụ thể hóa các hợp tác trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe con người giữa hai quốc gia, đặc biệt là sau tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ hồi tháng 9 vừa qua.
Nghiên cứu thuốc theo ‘tiêu chuẩn Stanford’
GS Nguyễn Văn Tuấn – viện trưởng Viện nghiên cứu Tamri – nói rằng sự kiện này được mở ra từ kết quả tìm hiểu lâu dài giữa hai bên ngay từ trong đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, đây là một trong những bước triển khai thỏa thuận được ký kết giữa hai bên từ tháng 9-2023 trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden.
Cụ thể, có bốn mục tiêu được các bên đặt ra, đó là đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học; nghiên cứu phát triển các loại thuốc phòng và trị bệnh; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tamri (Tâm Anh) theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford.
GS Jeff Glenn – viện trưởng Viện vi sinh và chống dịch Stanford – khẳng định đơn vị đã đóng góp quan trọng vào thành công trong cuộc vận động thành lập phòng nghiên cứu mới hiện đại tại Stanford.
Đây là một trong 9 phòng nghiên cứu với kinh phí lên tới 4 tỉ đô la/phòng từ nguồn đầu tư của Chính phủ Mỹ. “Những mục tiêu được lựa chọn trong mối quan hệ hợp tác với Viện nghiên cứu Tamri là triển khai xét nghiệm viêm gan siêu vi D, thử nghiệm lâm sàng thuốc sốt xuất huyết và các loại thuốc mới khác, cũng như triển khai các ứng dụng AI trong khám, chữa bệnh” – GS Jeff Glenn khẳng định.
Đây là các mục tiêu mà nhiều chuyên gia trong nước mong đợi, bởi hiện chưa có vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết – một loại dịch bệnh vốn “đến hẹn lại lên” gây ra nhiều đợt dịch lớn ở Việt Nam, cướp đi sinh mạng nhiều người. Trong khi đó viêm gan D hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Để chuẩn bị cho sự hợp tác mang nhiều kỳ vọng này, GS Nguyễn Văn Tuấn nói đơn vị đã lựa chọn các chuyên gia, bác sĩ giỏi của hệ thống ở Hà Nội và TP.HCM sang đào tạo tại Stanford về cả lâm sàng (khám, chữa bệnh) và phòng xét nghiệm.
Ngoài ra, với lợi thế sở hữu ba bệnh viện đa khoa lớn, hệ thống phòng xét nghiệm hiện đại, đội ngũ nhân sự chuyên môn cao… sẽ rất thuận lợi và nhanh chóng triển khai các kỹ thuật xét nghiệm quan trọng như viêm gan siêu vi D trên số lượng lớn.
“Chúng tôi rất biết ơn chủ trương quan trọng về y tế, từ đó mở ra những cơ hội chưa từng có cho hợp tác khoa học y tế giữa hai nước, giúp các nhà khoa học của mỗi bên có thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhằm tiến tới các hợp tác chuyên sâu hơn, mang lại những giá trị tốt đẹp không chỉ khoa học mà quan trọng nhất là mang lại những cơ hội nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, người dân Việt Nam” – GS Nguyễn Văn Tuấn nói.
Một hợp tác, nhiều ý nghĩa
TS Vũ Trường Khanh – trưởng khoa tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội) – cho biết ở Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính.
Các nghiên cứu còn cho thấy người nhiễm đồng thời vi rút viêm gan B và D, nguy cơ xơ gan và ung thư gan sẽ tăng gấp nhiều lần nhưng hiện nay Việt Nam chưa xét nghiệm được viêm gan D. Đây cũng là lý do mỗi năm vẫn có rất nhiều người trong số đó chuyển biến thành xơ gan, ung thư gan và khiến tỉ lệ tử vong cao.
“Việc tiếp nhận đào tạo về kỹ thuật xét nghiệm viêm gan siêu vi D từ Stanford có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quản lý bệnh viêm gan do vi rút, mang lại lợi ích lớn cho cả người bệnh và các bác sĩ điều trị.
Việc hiểu biết rõ về bệnh cảnh viêm gan siêu vi D ở Việt Nam cũng đóng góp nhiều thông tin quan trọng cho nhà khoa học trên thế giới hoàn thiện các thuốc tiềm năng điều trị căn bệnh nguy hiểm này” – TS Khanh nói.
TS Trần Thị Thanh Nga – giám đốc trung tâm xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM – cũng cho rằng việc đào tạo, tiếp nhận các kỹ thuật mới từ các phòng xét nghiệm lớn, hiện đại hàng đầu thế giới như tại ViRx@Stanford sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc này không chỉ giúp quá trình chẩn đoán, điều trị chính xác và hiệu quả hơn, mà còn phục vụ tốt cho các công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc tế sau này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Dương Hữu Thái – viện trưởng Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) – cho rằng việc Tâm Anh hợp tác với Viện nghiên cứu vi sinh và phòng chống dịch của Đại học Stanford trong nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng nhằm phát triển các loại thuốc mới là điều rất đáng kỳ vọng.
Tại sao lại như thế? Bởi vì trong nước muốn phát triển công nghệ sản xuất vắc xin hay công nghệ thuốc thì phải đi kèm với một hệ sinh thái xung quanh.
Hệ sinh thái này bao gồm nghiên cứu cơ bản, thử nghiệm trên các mô hình động vật, thử nghiệm trên người, thống kê quản lý chính sách… “Tôi cho rằng đây là sự phát triển mang tính đồng bộ, bởi trước nay trong nước thường phát triển từng mảng, mỗi cái một ít nên gặp không ít khó khăn” – TS Thái nói.
Việt Nam tích cực ủng hộ
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá việc Bệnh viện Tâm Anh và Viện nghiên cứu vi sinh và phòng chống dịch của Đại học Stanford cùng nhau hợp tác nghiên cứu những vấn đề về phòng chống dịch bệnh, tạo ra những loại thuốc mới rất đáng hoan nghênh.
Ông cho rằng mọi thỏa thuận cấp cao chỉ trở thành hiện thực khi có sự hợp tác chặt chẽ của các địa phương, của các đơn vị, các doanh nghiệp.
Sự hợp tác này, theo ông, sẽ mang đến những thành tựu mới trong chăm sóc sức khỏe con người và cam kết Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ và cùng với các đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nếu có khi các đơn vị hợp tác trong lĩnh vực này.
Hợp tác rất tốt cho ngành y trong nước
Với góc độ cơ quan quản lý, TS Nguyễn Ngô Quang – phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y Tế) – cho rằng đây là cơ hội cho ngành y tế Việt Nam tiếp cận với các công nghệ mới tiên tiến của thế giới, trong đó có một số bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là viêm gan.
Ông đánh giá hệ thống Bệnh viện Tâm Anh hiện đã tập hợp được đội ngũ nghiên cứu viên có trình độ, đồng thời có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và nhân lực, do đó sự hợp tác với Viện nghiên cứu vi sinh và phòng chống dịch của Đại học Stanford có tính khả thi khá cao.
Khẳng định rất ủng hộ về mặt chủ trương, tuy vậy ông Quang cũng lưu ý sự hợp tác này cần phải đảm bảo tính tuân thủ các quy định, bởi liên quan trực tiếp đến con người. “Hợp tác này bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định của Bộ Y tế, tức phải đáp ứng các quy trình được Bộ Y tế thẩm định cho phép triển khai.
Đặc biệt cần đảm bảo nguyên tắc về tính bí mật đời tư và dữ liệu của người Việt Nam” – TS Nguyễn Ngô Quang nói và cho rằng sự hợp tác nghiên cứu này dù ở cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập đều phục vụ cho người dân và rất tốt cho ngành y tế trong nước.