Thông tin trên được ông Lê Văn Phúc – Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra ngày 26/10.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là cần thiết
Hiện nay, giá viện phí mới bao gồm 4 yếu tố: Thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. Trong khi đó, nếu tính đủ 7 yếu tố viện phí sẽ gồm các chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Ông Phúc cũng cho biết thêm Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã thống nhất việc sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tuy nhiên, trong năm nay chưa tăng giá viện phí. Hiện Bộ Y tế cũng đang tính toán việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó có việc xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật và xác đinh lại định mức này. Trên cơ sở định mức đó sẽ xây dựng yếu tố chi phí cấu thành.
“Khi giá viện phí được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ, chắc chắn sẽ tác động đến quỹ BHYT, tuy nhiên việc điều chỉnh này là cần thiết“- ông Phúc nhận định.
Ông Phúc cho biết quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia để sử dụng cho khám chữa bệnh. Quỹ BHYT càng lớn, quyền lợi của người tham gia càng được đảm bảo tốt hơn, chi trực tiếp từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế sẽ giảm và giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước cho khám chữa bệnh.
Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ngân sách Nhà nước sẽ không chi trả trực tiếp cho các dịch vụ mà hỗ trợ thông qua việc mua BHYT, tăng mệnh giá BHYT để người dân được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn hoặc tăng mức chi trả cho người tham gia nhằm giảm gánh nặng cho người dân.
Giải quyết việc cơ sở y tế vượt mức tổng thanh toán khám, chữa bệnh BHYT thế nào?
Liên quan đến việc thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng, việc quy định tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa thực sự phù hợp đối với những địa phương tập trung đông bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT và những cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trọng điểm. Đó cũng là nguyên nhân khiến một số cơ sở y tế chi vượt trần vào năm 2021, hiện chưa thể thanh toán, quyết toán BHYT.
Vì thế, đã có ý kiến này đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng xem nên hay không nên quy định tổng hạn mức thanh toán BHYT. Nếu không quy định hạn mức thanh toán, bệnh nhân có cơ hội được hưởng nhiều quyền lợi hơn.
Tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc nêu rõ, phương pháp xác định tổng mức thanh toán BHYT hằng năm được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, 5, 6, Điều 24 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Đây là công cụ để kiểm soát gia tăng chi phí không hợp lý của phương thức thanh toán theo giá dịch vụ, chống lãng phí. Quy định về tổng mức thanh toán được xây dựng dựa theo nguyên tắc xác định tổng mức thanh toán đa tuyến tương tự các quy định trước đó, nhưng có sự điều chỉnh trên cơ sở khoa học, tính toán đầy đủ các yếu tố tăng, giảm khách quan của từng cơ sở khám, chữa bệnh.
Để gỡ vướng cho tình trạng vượt tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, ngành BHXH cùng ngành Y tế tiếp tục kiến nghị, đề xuất Chính phủ sớm có giải pháp.
Riêng TP. HCM – nơi gia tăng chi phí khám, chữa bệnh do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 (Theo báo cáo của BHXH TP. HCM, trên địa bàn thành phố có khoảng 30 cơ sở khám, chữa bệnh vượt mức tổng thanh toán theo quy định với số tiền gần 1.033 tỷ đồng), BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã thống nhất đề xuất Chính phủ có chính sách đặc thù, thanh toán số vượt mức tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT (theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ) trong năm 2021 của một số cơ sở y tế tại địa phương này.
Về việc nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong tình trạng “treo” BHYT, tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc – cho hay do tại thời điểm quyết toán, các cơ sở khám, chữa bệnh chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, chưa thuyết minh được nguyên nhân vượt quyết toán.
Trong khi đó, khi quyết toán BHYT năm 2018 sẽ là căn cứ để làm mức chi “trần” cho năm 2019. Vì vậy, dẫn đến tình trạng tồn đọng quyết toán quỹ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, do chính sách, liên doanh liên kết chưa rõ ràng, việc mua sắm đấu thầu thuốc, dịch vụ kỹ thuật… còn nhiều vướng mắc.
Theo ông Phúc, với chi phí BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được thanh toán, các đơn vị đã phối hợp quyết liệt xử lý. Cụ thể, đã thành lập 4 đoàn công tác làm việc với 8 cụm trên cả nước. Chi phí cần xử lý khoảng 1.700 tỉ đồng, trong đó một số đã được đưa vào quyết toán năm 2021, một phần đã được đưa vào thẩm định báo cáo hội đồng quản lý.