Lần đầu tiên Chính phủ có chiến lược quốc gia phòng chống kháng thuốc với sự vào cuộc cùng lúc của ba bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhớ lại trong một hội nghị truyền nhiễm cách đây ít năm, TS.BS Lê Quốc Hùng – trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) – đã trình chiếu một bức ảnh gây “sốc” khi các con vi khuẩn đang bao vây và tiến tới bóp cổ người bệnh.
Hình ảnh này chính là lời cảnh báo thực tế nhất, bởi từ năm 2010 đến nay Việt Nam đang nằm trong nhóm kháng thuốc cao nhất thế giới.
Cảnh báo từ giường bệnh
Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) mới đây tiếp nhận bệnh nhân nữ 68 tuổi nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, nhiễm trùng bàn chân trên nền mắc bệnh đái tháo đường.
Kết quả các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc pseudomonas aeruginosa. Đây là một loại vi khuẩn phổ biến gây bệnh ở người và động vật, được tìm thấy trong đất, nước, hệ vi sinh vật trên da hoặc các môi trường nhân tạo.
Các bác sĩ cho biết vi khuẩn đa kháng thuốc này thường xuất hiện trên bệnh nhân nằm thở máy kéo dài, có bệnh lý nền như đái tháo đường, mất máu, nằm lâu một chỗ có loét hoặc tì đè, nhiễm khuẩn ngoài da.
“Bệnh nhân bị vi khuẩn đa kháng thuốc xâm nhập dẫn đến việc điều trị bằng thuốc kháng sinh không còn tác dụng, nguy cơ tử vong cao vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết”, một bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân bất lực nói.
Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) mỗi ngày thăm khám cho 3.000 – 4.000 trẻ nhỏ, và điều đáng nói, trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân có cấy phân (xét nghiệm nuôi cấy mẫu phân trong môi trường thạch dinh dưỡng nhằm phát hiện vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh) có đến 30% các bé có vi khuẩn kháng thuốc.
Theo ông Trần Minh Điển – giám đốc bệnh viện, tình trạng kháng thuốc một phần do vấn đề môi trường, thức ăn – nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định. Nguyên nhân khác có thể từ thói quen nhiều gia đình tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị cho trẻ với liều lượng kháng sinh không hợp lý.
TS Lê Quốc Hùng cho rằng trong môi trường xã hội hiện nay việc sử dụng kháng sinh khá bừa bãi. Điển hình ở lĩnh vực y tế, người dân có thể dễ dàng mua được thuốc kháng sinh ở nhà thuốc, hoàn toàn khác với thế giới phải có toa chỉ định của bác sĩ.
“Một nghiên cứu cho thấy trên 90% các bà mẹ ở cả thành thị lẫn nông thôn đều mua thuốc kháng sinh cho con uống”, ông Hùng nói. Ngoài ra, trong môi trường bệnh viện, có nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh rất cao, gần một nửa chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý về chủng loại, liều, thời điểm hoặc yếu kém về vi sinh…
Thậm chí có nhiều chỉ định “đánh” kháng sinh của bác sĩ mang tính chất “bao vây”, chưa kể việc phán đoán loại vi khuẩn sử dụng kháng sinh có khi quá tay dẫn đến kháng thuốc. Đặc biệt, việc sai sót này thường xảy ra ở khối ngoại khoa.
Kháng sinh trong nông nghiệp cũng báo động. Theo TS Lê Quốc Hùng, cảnh báo này dễ thấy ngay từ việc có nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản vào các nước châu Âu bị trả về mà nguyên nhân lớn là dư lượng thuốc kháng sinh so với mức cho phép.
“Các loại vi khuẩn có trong sản phẩm nông nghiệp như nông sản, động vật, thủy hải sản… đã kịp “làm quen” với kháng sinh cho nên kháng thuốc bắt đầu từ đó và ngay trong đồ ăn thức uống đều xuất hiện các vi khuẩn kháng thuốc”, ông Hùng phân tích. Ngoài ra, môi trường kinh tế – xã hội thay đổi, điều kiện sống của các loại vi khuẩn cũng bị biến đổi tạo ra các đột biến gen mới có khả năng kháng thuốc.
Về hậu quả của việc kháng thuốc, ông Hùng cho hay điểm thấy rõ nhất là các bệnh nhân bị nhiễm trùng kháng thuốc rất khó điều trị, thời gian nằm viện kéo rất dài, chi phí sử dụng thuốc kháng sinh cao, đặc biệt phải cùng lúc dùng nhiều loại kháng sinh mới có thể “trị” được vi khuẩn kháng thuốc.
“Trong khi kháng sinh mới được sản xuất ra ngày càng giảm thì tỉ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn càng tăng. Nếu không có sự quản lý, sử dụng kháng sinh tốt, tương lai con người đối diện với nguy cơ bệnh tật rất lớn”, TS Hùng khuyến cáo.
Đã từng hành động nhưng chưa có nhiều thay đổi
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ năm 2013, Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 – 2020. Lúc bấy giờ, Bộ Y tế thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống kháng thuốc và thành lập chín tiểu ban giám sát kháng thuốc, đồng thời thành lập đơn vị giám sát kháng thuốc quốc gia.
Kế hoạch dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc. Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản quy định; các địa phương cũng có nhiều “chương trình hành động” nhưng các chuyên gia cho rằng thực trạng kháng thuốc vẫn chưa cải thiện.
Tại hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2013 – 2020, Bộ Y tế thừa nhận thói quen sử dụng kháng sinh của người dân chưa thể dễ dàng thay đổi trong “một sớm một chiều”, năng lực của hệ thống xét nghiệm vi sinh, giám sát tình trạng kháng kháng sinh vẫn còn nhiều hạn chế…
Bộ Y tế cũng cho rằng kế hoạch này có thực sự hiệu quả cần đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Cùng với đó, công tác phòng chống kháng thuốc cũng cần có sự tham gia chủ động, tích cực của mỗi người dân và toàn thể cộng đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay các giai đoạn trước các hoạt động phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam là những kế hoạch hành động. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc – là chiến lược mang tầm vĩ mô, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phòng chống kháng thuốc hiện nay.
“Trước đây, ba bộ cũng đã có ký bản ghi nhớ, ký kết liên ngành đồng hành cùng phòng chống kháng thuốc. Hiện đã có chiến lược quốc gia thì tất cả cùng chung tay làm chậm lại sự tiến triển của kháng thuốc, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc… góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường. Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể về những hoạt động lĩnh vực y tế sẽ thực hiện trong thời gian tới”, vị đại diện này cho hay.
Trong bối cảnh kháng thuốc đáng báo động như hiện nay, TS Lê Quốc Hùng cũng cho rằng việc cả ba bộ cùng chung tay chống kháng thuốc là điều bắt buộc, bức thiết, bởi kháng thuốc trải rộng ở nhiều lĩnh vực. “Phải có một quyết định từ Chính phủ, mang tính chất liên ngành như thế may ra mới cải thiện được tình trạng kháng thuốc”, ông Hùng khẳng định.
Cần đầu tư thỏa đáng
Một bác sĩ khoa cấp cứu tại bệnh viện ở Hà Nội chia sẻ vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện cần có sự đầu tư thỏa đáng mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. “Đơn cử, một bệnh nhân bị hoại tử da hay nhiễm khuẩn nặng cần được điều trị tại phòng riêng biệt để đảm bảo không lây nhiễm chéo.
Thế nhưng, thực tế điều kiện cơ sở vật chất các bệnh viện không thể đáp ứng được hết. Bệnh viện không có nguồn kinh phí để đầu tư, người bệnh không thể chi trả chi phí cho việc điều trị đặc biệt. Vì vậy, cần phải có nguồn kinh phí đầu tư mới có thể đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn”, vị này cho hay.
Bác sĩ Hà Ngọc Cường (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) cũng cho rằng quản lý dược tại Việt Nam còn nhiều lỗ hổng khiến việc phòng chống kháng thuốc càng gặp khó khăn. “Cần hơn nữa những biện pháp quản lý việc bán thuốc kháng sinh, quy định chặt chẽ và chế tài đủ mạnh để kiểm soát được việc bán thuốc vô tội vạ như hiện nay”, bác sĩ Cường đề xuất.
“Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kháng kháng sinh đang là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, con người đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh, đồng thời yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau. “Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” được lấy làm khẩu hiệu phòng chống kháng thuốc từ năm 2011.
WHO cho biết các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc đã gây ra ít nhất 700.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó có đến 230.000 ca tử vong do bệnh lao đa kháng thuốc, dự báo con số này có thể tăng lên 10 triệu ca tử vong/năm vào năm 2050 theo kịch bản xấu nhất nếu không có hành động can thiệp nào.
Khoảng 2,4 triệu người có thể chết ở các quốc gia có thu nhập cao trong giai đoạn 2015 – 2050 nếu không nỗ lực lâu dài để ngăn chặn tình trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất sẽ gây nên tình trạng kháng thuốc và nguy hại cho đất canh tác – Ảnh: CHÍ QUỐC
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vào cuộc
Ngày 9-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được phê duyệt cuối tháng 9 giao cho các bộ xây dựng đề án. Đơn vị đang nghiên cứu để triển khai, sau đó sẽ có báo cáo lãnh đạo bộ.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng việc xây dựng các đề án là rất cần thiết, cùng nhau hành động làm chậm tiến triển kháng thuốc, ngăn chặn và kiểm soát lây lan các vi sinh vật nhằm nâng cao bảo vệ sức khỏe con người, động vật, bảo vệ môi trường.
Theo ông Võ, để phòng chống kháng thuốc ở nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như thiết lập mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc, xây dựng các kế hoạch về kiểm soát vi khuẩn, quản lý chặt chẽ kháng sinh…
“Để đạt hiệu quả trong phòng chống kháng thuốc cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, tập trung nguồn lực để triển khai các mục tiêu đề ra”, ông chia sẻ thêm.QUANG THẾ
2026 bỏ kháng sinh phòng bệnh vật nuôi
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-10, nguyên cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương – chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam – nhấn mạnh việc phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam trong giai đoạn tới là rất quan trọng và toàn xã hội phải cùng vào cuộc.
“Thuốc kháng sinh liên quan đến điều trị cho con người, cho vật nuôi, liên quan đến cả hệ vi sinh vật. Đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong môi trường. Trong khi nhiều người dễ mua thuốc kháng sinh điều trị bệnh thì với chăn nuôi cũng vậy, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở nước ta cũng còn thiếu kiểm soát”, ông Dương nói.
Về việc kiểm soát sử dụng kháng sinh trong thời gian tới, ông Dương cho hay ngành chăn nuôi đã có lộ trình. Thứ nhất, trong Luật Chăn nuôi 2017 và nghị định 13 hướng dẫn thi hành luật đã có lộ trình kiểm soát, loại bỏ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Hiện nay, chúng ta đã bỏ sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi bởi việc sử dụng kháng sinh qua con đường thức ăn là nguy hiểm nhất.
Ông Dương thông tin thêm, lộ trình thứ nhất là loại bỏ việc sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi từ 1-1-2018.
Thứ hai, chỉ dùng kháng sinh trong phòng bệnh và chỉ được dùng với gia súc non.
Thứ ba, thuốc thú y có chứa kháng sinh nhóm thuốc kháng sinh đặc biệt quan trọng, rất quan trọng và quan trọng đều được loại bỏ lần lượt từ năm 2020, 2021 và 2022. Kể từ 1-1-2026, sẽ bỏ toàn bộ kháng sinh phòng bệnh cho vật nuôi, chỉ cho phép dùng khi có bệnh và điều trị phải có kê toa của bác sĩ.
Như vậy về mặt luật pháp rất rõ ràng, vấn đề là tổ chức thực hiện pháp luật. Hiện hệ thống các doanh nghiệp chăn nuôi đang tìm các giải pháp thay thế kháng sinh. Do đó, Nhà nước cần cơ chế làm sao để người chăn nuôi vẫn nuôi được mà lại không có bệnh.
Ông Dương cũng mong muốn các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu phải giúp người dân, doanh nghiệp chăn nuôi đưa ra được giải pháp công nghệ để thay thế. Ví dụ như dùng thảo dược, chế phẩm vi sinh, chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi an toàn sinh học… để kiểm soát tốt vấn đề sử dụng kháng sinh. Còn người chăn nuôi phải tự giác thực hiện và người tiêu dùng phải bỏ “hầu bao” để mua với giá cao hơn cho người chăn nuôi.
“Giai đoạn vừa qua vẫn còn những tồn tại hạn chế trong phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, thiếu sự phối hợp đồng bộ với nhau nên kết quả chưa cao. Ngay khâu tuyên truyền, giáo dục để người dân, người chăn nuôi, người kinh doanh thuốc kháng sinh phải tự giác, thực sự thấy trách nhiệm xã hội của mình cũng còn hạn chế.
Việc tăng cường xử lý, xử phạt sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi chỉ là một vấn đề, cần phải tăng cường tuyên truyền và toàn xã hội phải chung tay phối hợp đồng bộ thì việc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam mới đạt hiệu quả cao”, ông Dương chia sẻ.