Nghệ sĩ Quyền Linh khẳng định tham gia đóng quảng cáo cho sản phẩm sữa tiểu đường Diasure vì tin vào chữ ‘viện hàn lâm’.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nghệ sĩ này nói nhận quảng cáo cho sản phẩm này thông qua một người bạn, không còn nhớ rõ thời gian quay quảng cáo nhưng khẳng định “đã cắt hợp đồng”.
“Tôi có ngộ nhận”
Theo nghệ sĩ Quyền Linh, thời điểm nhận quảng cáo cho loại sữa này, ông thấy sản phẩm được phát rất nhiều trên các đài truyền hình và đặc biệt thấy từ “viện hàn lâm chuyển giao công nghệ” nên cũng tin tưởng. Điều này, theo ông, khiến ông ngộ nhận mà không xem các loại giấy tờ có đúng là Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam chuyển giao hay không.
“Tôi tin vào chữ viện hàn lâm, chứ không phải bằng mọi cách quảng cáo bất chấp đâu” – Quyền Linh trần tình.
Quyền Linh cũng khẳng định mọi người trong gia đình đều uống loại sữa này, bởi nghĩ sữa chắc tốt, không có phản ứng phụ, “không tốt này cũng tốt kia”. Không chỉ vậy, ông còn dùng để tặng cho người dân mỗi khi đi làm từ thiện.
Ông cho rằng với chuyện quảng cáo này, nghệ sĩ cũng chỉ một phần, điều quan trọng là nhà sản xuất đưa lên mạng không kiểm soát. “Tôi đã rất ý thức và đề phòng hai năm nay rồi. Hai năm nay tôi gần như không còn đụng cái gì tới quảng cáo nữa hết, dẹp bỏ hết luôn rồi đó” – Quyền Linh khẳng định.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Luân – đại diện sản phẩm sữa Diasure – cho biết hai nghệ sĩ Quyền Linh và Cát Tường đã ký hợp đồng đại diện cho sản phẩm Diasure từ giữa 2022 và đến dịp Tết vừa qua thì hết hợp đồng.
Ông Luân nói: “Chúng tôi nhìn vào những thương hiệu lớn quảng cáo trên tivi, họ cũng sử dụng diễn viên, diễn viên đó có tiểu đêm hay giảm sinh lý gì đâu nhưng họ vẫn quảng cáo dùng sản phẩm đó là khỏi, họ cũng dùng tư liệu như vậy. Chúng tôi học cách quảng cáo của các sản phẩm khác, cũng sử dụng diễn viên như họ”.
Khi được hỏi cách quảng cáo như vậy là sai với tác dụng thực tế của sản phẩm, từ sữa “hỗ trợ” thành sữa “trị bệnh”, nhãn hàng đã làm gì khi sai sót này bị phát hiện, ông Luân đáp: “Từ khoảng tháng 4-5 đến nay chúng tôi không sử dụng các clip quảng cáo có nội dụng sai để quảng cáo sản phẩm. Trong một năm qua có nhiều lần sữa Diasure bị đối thủ thông tin không chính xác trên mạng và chúng tôi đều đã lập vi bằng để chứng thực”.
Sữa không thể điều trị tiểu đường
Bác sĩ Trần Quốc Cường – phó trưởng bộ môn khoa dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) – cho biết trên thị trường vẫn có những sữa dành cho người đái tháo đường, những loại sữa này chỉ giúp người bệnh bổ sung về mặt dinh dưỡng vì có hàm lượng chất bột đường và chỉ số đường huyết thấp giúp người bệnh không tăng đường huyết.
Có nhiều dòng sữa trên thị trường quảng cáo có tác dụng điều trị được tiểu đường nhưng tiểu đường không chữa được hết hoàn toàn. Không có thuốc nào chữa được tiểu đường, vì đây là bệnh mạn tính.
“Đến nay không có loại thuốc tây, thực phẩm chức năng hay bất kỳ một loại sữa nào chữa được hết tiểu đường. Các loại thuốc điều trị tiểu đường, tiêm insulin chỉ giúp ổn định đường huyết, chưa có thuốc nào uống vô hết tiểu đường. Sữa lại càng khó, không có loại điều trị dứt điểm một bệnh nào cả” – bác sĩ Cường nói và nhấn mạnh ba trụ cột trong điều trị bệnh đái tháo đường, gồm sử dụng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, ăn uống đúng cách, vận động hợp lý.
Người bệnh đái tháo đường phải đảm bảo ba trụ cột vững chắc này để kiểm soát được đường huyết.
Chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn cho biết ở các nước trên thế giới, canxin cabonat (CaCO3) được dùng làm chất độn, trong thực phẩm rất ít sử dụng vì khi đến dạ dày, chất này đã được phân hủy thành canxi2+, canxi vô cơ nếu vô cơ thể một lượng quá lớn sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Việc đưa CaCO3 vào cơ thể, theo ông Côn, chưa chắc có thể bổ sung canxi cho cơ thể, càng không thể chữa được tiểu đường.
Trong khi đó, bác sĩ Quốc Cường khẳng định canxi dưới dạng thuốc hay dạng bổ sung vào sữa đều ở dạng muối canxi chứ không phải dạng canxi ion. Chúng chỉ có vai trò cung cấp canxi cho cơ thể như uống thuốc canxi chứ không có tác dụng trị được tiểu đường.
Viện hàn lâm có vô can?
Trong nội dung trả lời Tuổi Trẻ, TS Lê Trọng Lư – phó viện trưởng Viện kỹ thuật nhiệt đới (trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) – khẳng định chỉ chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất nano canxi cacbonat cho Công ty cổ phần thực phẩm Nanofood, hoàn toàn không cung cấp nguyên liệu và không tham gia bất kỳ công đoạn nào của quy trình sản xuất sữa Diasure.
Tuy vậy, trong các clip “sữa Diasure dành cho người tiểu đường” mà các nghệ sĩ quảng cáo, sản phẩm này lại được khẳng định là ứng dụng công nghệ nano canxi của Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Dư luận đặt vấn đề: Viện kỹ thuật nhiệt đới (trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) không thể vô can.
Cát Tường nói gì?
Tuổi Trẻ đã liên hệ với nghệ sĩ Cát Tường trao đổi sau các clip quảng cáo sữa non tiểu đường Diasure: “Tôi đã hết hợp đồng với bên đó khoảng 5-6 tháng nay rồi. Tại không có liên quan nên không muốn dính líu gì cả” – nghệ sĩ này nói.
Khi đề cập các clip phát tán trên mạng, nhiều clip chưa đúng sự thật khiến nhiều người lầm tưởng, Cát Tường nói: “Cái đó cơ quan quản lý họ làm việc chứ sao tôi biết được. Tôi cũng đã nói luật sư và quản lý làm việc với bên đó rồi, nhưng cũng không liên quan đến tôi”.