Từ 1/4, Trung tâm y tế Si Ma Cai sẽ có bác sĩ trung ương khám chữa bệnh

SKĐS – Từ 1/4/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ cử bác sĩ về luân phiên công tác tại Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai để thực hiện công tác khám, chữa bệnh và đào tạo nhân lực.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa ký kết hợp tác hỗ trợ chuyên môn khám chữa bệnh về lĩnh vực nhi khoa và bàn giao bác sĩ về công tác tại Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.

TS.BS Phan Hữu Phúc – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, một trong những ưu tiên của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như Hội Nhi khoa Việt Nam là tập trung đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho các khu vực còn hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là các huyện vùng cao của các tỉnh miền núi phía Bắc bằng nhiều hình thức: đào tạo tại chỗ; đào tạo tại Bệnh viện Nhi Trung ương; đào tạo và hội chẩn từ xa; chuyển giao kỹ thuật…

Từ 1/4, Trung tâm y tế Si Ma Cai sẽ có bác sĩ trung ương khám chữa bệnh- Ảnh 1.
Bệnh viện Nhi Trung ương bàn giao bác sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Trung tâm Sơ sinh về công tác tại Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai trong thời gian 3 tháng

Theo đó, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ giúp đỡ Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai đào tạo nhân lực; hỗ trợ công tác khám chữa bệnh tại chỗ; tăng cường hội chẩn trực tuyến nhằm nâng cao năng lực cho các bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm y tế Huyện về một số lĩnh vực ưu tiên như: Cấp cứu, Sơ sinh, Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn…

Đây là một trong các chương trình cụ thể nhằm thực hiện nội dung hợp tác toàn diện đã được ký kết giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và UBND tỉnh Lào Cai năm 2023. Chương trình hướng đến chuỗi hoạt động kết nối và hỗ trợ cho hệ thống y tế cơ sở để từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, từ 1/4/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ cử bác sĩ về luân phiên công tác tại Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai để thực hiện công tác khám, chữa bệnh và đào tạo nhân lực.

“Đây là những bác sĩ được đào tạo bài bản với trình độ chuyên môn sâu, có kinh nghiệm lâm sàng qua nhiều năm tiếp xúc với các mặt bệnh đa dạng tại Bệnh viện Nhi Trung ương; cùng với đó là tinh thần trách nhiệm cao, lòng nhiệt huyết tuổi trẻ”- TS Phúc cho biết.

BSCKI Hà Thị Hường, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai cho biết, Si Ma Cai là một huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Lào Cai với 96% đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế – xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Trung tâm y tế hiện có 20 khoa phòng chuyên môn, 2 phòng khám đa khoa và 10 trạm y tế xã, thị trấn.

Hiện Trung tâm y tế Si Ma Cai đã triển khai được một số kỹ thuật về hồi sức cấp cứu và sơ sinh như: cấp cứu ngừng hô hấp/tuần hoàn, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng, thở CPAP, chiếu đèn, Kangaroo, đặt sonde dạ dày, đặt catheter tĩnh mạch rốn,…

Tuy nhiên, ngành y tế huyện Si Ma Cai hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu hụt trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế;… Các bác sĩ, điều dưỡng chưa có nhiều kinh nghiệm về lâm sàng, chẩn đoán và điều trị các ca bệnh nhi khoa nặng, nhân lực về chuyên ngành nhi như hồi sức, cấp cứu, sơ sinh còn hạn chế, chủ yếu là đào tạo tại chỗ và làm việc theo kinh nghiệm…

Tại buổi lễ, Bệnh viện Nhi Trung ương đã bàn giao BS Nguyễn Tiến Mạnh, Trung tâm Sơ sinh về công tác tại Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai trong thời gian 3 tháng.

Mới đây thông tin với báo chí, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay Bộ Y tế đang tái khởi động đề án bệnh viện vệ tinh, chương trình đào tạo, chỉ đạo tuyến và đề án 1816 gián đoạn trong giai đoạn tập trung phòng chống dịch để các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới, làm sao để bệnh viện tuyến huyện làm được mọi kỹ thuật của bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến tỉnh làm cơ bản, đầy đủ mọi kỹ thuật của tuyến trung ương.

“Có như thế người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… mới được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng một cách thuận tiện, ngay tại nơi sinh sống, không vất vả đi lại” – Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Sau sản khoa và nhi khoa là hai lĩnh vực thiết thực, người dân cần nhất, tới đây các bệnh viện sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật theo đề nghị của y tế cơ sở, cơ sở cần kỹ thuật gì thì tuyến trên chuyển giao kỹ thuật đó. Có thể sẽ là các chuyên ngành tim mạch, chấn thương chỉnh hình, ung bướu.

Theo đó, không riêng gì bệnh viện tuyến trung ương hay bệnh viện ở TP HCM, Hà Nội, lần tái khởi động này có thêm các bệnh viện ở Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ tham gia chỉ đạo tuyến.

Bộ Y tế cũng mong muốn các tỉnh, thành vùng thuận lợi, y tế phát triển cùng chung sức với các bệnh viện tuyến trung ương của Bộ để sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao, cầm tay chỉ việc cho y tế các địa phương vùng còn khó khăn” – Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói, đồng thời mong trong 1 năm tới các bệnh viện ở tuyến cơ sở sẽ thực hiện thành thạo các kỹ thuật mới nhận chuyển giao, thay vì khoảng cách 2-3 năm như kế hoạch trước đây…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *