Chị Tô Thị Thắm ở Yên Khánh – Ninh Bình, một trong những người được ghép cả 2 giác mạc đã không giấu được xúc động nói lời cảm ơn, tri ân đến các gia đình hiến tặng giác mạc để chị nhìn lại ánh sáng và cuộc sống hồi sinh khi tuổi đời còn trẻ…
Nhờ được ghép giác mạc, người phụ nữ trẻ vỡ òa hạnh phúc nhìn thấy ánh sáng sau gần 20 năm tăm tối…
Khi chị Thắm nói lời tri ân, cũng là lúc tôi thấy trong Hội trường của rạp Yên Mâu- huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình – nơi diễn lễ tôn vinh người hiến giác mạc do Bộ Y tế (Bệnh viện Mắt TW) và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức vào cuối tuần này đã có những người thân của gia đình người hiến tạng mỉm cười. Ắt hẳn đó là những nụ cười hạnh phúc và xen lẫn tự hào vì người thân của họ tuy đã mất đi nhưng một phần cơ thể của họ vẫn sống – hiện hữu trên đời trong một sự sống khác…
Chị Thắm kể, chị bị bệnh giác mạc khi mới 12 tuổi và buộc phải nghỉ học. Cuộc sống của chị co lại vì… tự ti mãi đến năm 2019, khi gần 30 tuổi, chị được ghép giác mạc một bên mắt từ nguồn hiến tặng.
“Cuộc sống của tôi đã có những thay đổi, tôi đã nhìn được ánh sáng. Và điều này càng viên mãn hơn khi năm 2020 tôi được ghép giác mạc mắt còn lại. Khi bác sĩ gỡ băng mắt, nhìn mọi thứ rõ nét, tôi thậm chí không dám tin mình nhìn lại được sau từng ấy năm. Từ chỗ chỉ quanh quẩn trong nhà, nay tôi có thể đi xe máy, đi làm…”- chị Thắm chia sẻ.
Tại lễ tôn vinh người hiến giác mạc, chị Thắm đã được gặp lại hai gia đình có người thân hiến tặng giác mạc cho chị. Giữa họ là những cái ôm ấm áp, những lời hỏi thăm sức khỏe và sự xúc động.
“Tôi mãi tri ân những gia đình đã hiến tặng giác mạc của người thân để sự sống của tôi được hồi sinh, tiếp nối khi tôi con trẻ. Tôi mong muốn rằng nghĩa cử cao đẹp từ các gia đình hiến giác mạc sẽ lan tỏa, giúp có thêm nhiều người được thấy lại ánh sáng như tôi”- chị Tô Thị Thắm bày tỏ.
15.000 người dân Ninh Bình đã đăng ký hiến tặng mô, tạng
Gần 17 năm trước, ngày 5/4/2007, người đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và đầu tiên của cả nước hiến tặng giác mạc sau khi qua đời cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình). Tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp, cụ Nguyễn Thị Hoa đã trở thành tấm gương sáng tiên phong, thúc đẩy phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước phát triển, lan rộng. Noi theo tấm gương cụ Nguyễn Thị Hoa, người dân Cồn Thoi, Kim Sơn đã tạo nên một phòng trào hiến tặng giác mạc trong toàn vùng, toàn tỉnh.
Chị M. (Kim Sơn) chia sẻ, chồng chị ốm nặng, sau khi được Hội chữ thập đỏ địa phương đến động viên, tuyên truyền, anh đã đăng ký đồng ý hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.
“Khi anh qua đời, chúng tôi báo cho Hội chữ thập đỏ và sau đó tâm nguyện của chồng tôi đã được thực hiện. Tôi và gia đình tự hào vì việc làm có ý nghĩa thiết thực của anh sau khi qua đời đã giúp người mù lòa nhìn lại được ánh sáng. Chúng tôi mong có thêm nhiều người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời để đem lại ánh sáng cho những người khác”- chị M xúc động nói.
Đến nay, thành phố và 100% các huyện của tỉnh Ninh Bình đã có người đăng ký hiến mô, tạng, đứng đầu cả nước với con số 15.000 người đăng ký hiến mô, tạng. Đặc biệt, có 437 người hiến giác mạc, 3 người hiến mô tạng, tổng cộng đã có 440 người hiến mô, tạng. Nghĩa cử nhân văn này đã được lan tỏa, ngày càng nhiều địa phương có người hiến tặng giác mạc như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh.
Trong 16 năm qua (2007-2023), cả nước có trên 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời của 20 tỉnh thành trong cả nước. Bệnh viện Mắt TW đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân bị mù do các bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng.
Xúc động phát biểu tại lễ tôn vinh người hiến giác mac, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định công cuộc vận động hiến tặng giác mạc của ngành y tế không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức trong xã hội, và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân. Phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình đã và đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp chính quyền.
Nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương, Hội chữ thập đỏ, các tổ chức tôn giáo, các vị Linh mục, chánh trương, các tình nguyện viên đã luôn quan tâm và ủng hộ hoạt động hết sức nhân văn này.
“Chính sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của các quý vị đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người bệnh. Tôi được biết có nhiều cụ cao tuổi, vẫn nhiệt tình tham gia công tác vận động hiến giác mạc”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.