Trẻ 6 tuổi ngừng tuần hoàn khi ăn kẹo dẻo bán ở cổng trường

Trẻ bị hóc dị vật là viên kẹo dẻo, hôn mê với tiên lượng rất nặng. Hóc dị vật có thể dẫn đến tử vong, nên cha mẹ cần chú ý, nhất là khi dịp Tết đang cận kề.

Trẻ 6 tuổi ngừng tuần hoàn khi ăn kẹo dẻo - Ảnh: BVCC
Trẻ 6 tuổi ngừng tuần hoàn khi ăn kẹo dẻo – Ảnh: BVCC

Ngày 16-1, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện đang điều trị cho trẻ bị hôn mê do ăn kẹo dẻo. Theo đó, ngày 5-1, trẻ nhập viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê sau khi ăn kẹo dẻo hay được gọi là kẹo mắt trâu bán ở cổng trường.

Theo lời kể của bà ngoại trẻ, khoảng 8h sáng 5-1, bé được bà đưa đến trường mầm non đi học. Đến cổng trường, bà có vào hàng tạp hóa mua sữa cho bé uống. Lúc này trẻ đòi bà mua thêm kẹo, bà đồng ý và trẻ chọn loại kẹo dẻo mắt trâu.

Sau đó, bé được bà đưa vào lớp, tập thể dục khoảng 5 phút cùng với các bạn. Lúc này, cô giáo vào lớp, thấy trẻ gục mặt xuống bàn và lại gần thì phát hiện trẻ nằm bất động, tím tái, khó thở.

Ngay lập tức trẻ được chuyển đến Bệnh viện Tâm Đức, gắp dị vật là miếng kẹo dẻo cắn dở và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Loại kẹo dẻo mà trẻ ăn bị hóc - Ảnh BVCC
Loại kẹo dẻo mà trẻ ăn bị hóc – Ảnh BVCC

Trẻ nhập viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn hô hấp, hôn mê với tiên lượng rất nặng. Hiện trẻ vẫn đang tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tích cực tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện.

Đây là hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh có con nhỏ. Không cho trẻ nhỏ tự ăn các loại bánh/kẹo có nguy cơ hóc, các loại kẹo dẻo, thạch…, đặc biệt là các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ở các cổng trường.

Đặc biệt trong dịp lễ Tết sắp tới, khi bánh, trái, thạch rau câu, hạt bí, hạt dưa… là những thứ mà hầu như gia đình nào cũng có.

Tuy nhiên, với những gia đình có trẻ nhỏ, phải hết sức chú ý, nếu không trẻ sẽ dễ bị hóc, sặc khi ăn những thứ này. Chỉ một sơ suất nhỏ, trẻ không may bị hóc sẽ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.

Theo bác sĩ Lê Thị Vân Anh – trưởng khoa tiêu hóa, dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu ngoại khoa, cần được chẩn đoán và xử trí sớm, vì ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.

Trẻ nhỏ khi tự chơi trong nhà, nếu không có sự giám sát và chăm sóc của người lớn, rất dễ tự ý cho vào miệng và nuốt phải những vật thể nguy hiểm như tăm tre, cúc áo, pin, miếng đồ chơi lắp ghép…

“Các gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý để các vật dụng nguy hiểm tránh xa tầm tay của trẻ, chú ý quan sát khi trẻ chơi và phát hiện sớm khả năng các bé nuốt phải đồ vật để nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và nội soi lấy bỏ dị vật cấp cứu kịp thời” – bác sĩ Vân Anh khuyến cáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *