Bệnh trĩ ngày càng trẻ hóa, thường gặp ở dân văn phòng, thậm chí là lứa tuổi học sinh. Phòng tránh thế nào?
Theo nghiên cứu của Hội Hậu môn, trực tràng Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở Việt Nam là 35 – 50% các bệnh thuộc về trực tràng. Trong đó, tỉ lệ nữ mắc trĩ nhiều hơn nam (chiếm 61%).
Nếu như trước đây, người mắc bệnh trĩ thường trên 40 tuổi, thì gần đây, số bệnh nhân trẻ khá nhiều, thậm chí ở độ tuổi còn học sinh.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Minh – trưởng khoa ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) – cho biết bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị giãn ra hình thành búi trĩ trong lòng hậu môn. Điều kiện sinh hoạt, làm việc không hợp lý sẽ khiến búi trĩ ngày càng to ra và gây ra biến chứng.
Cụ thể, khi búi trĩ sưng to sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh như: chảy máu do vỡ mạch máu vùng hậu môn, gây đau, nhiễm trùng, sa ra phải dùng tay nhét vào… ảnh hưởng sinh hoạt người bệnh.
Thường người bệnh có thể chịu đựng được, thế nhưng đối với một số trường hợp cấp tính, bị chảy máu cần phải cấp cứu.
Bác sĩ Minh cho hay bệnh trĩ hiện nay xuất hiện ở tất cả các độ tuổi, nhất là dân văn phòng, thậm chí tại bệnh viện nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh 15-16 tuổi đã đến thăm khám do mắc trĩ.
Khi hỏi, gần như các bạn trẻ đều có yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh trĩ phát triển như: ngồi lâu, ít vận động…
Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh trĩ thường do ngồi nhiều, ít vận động, bệnh béo phì, bữa ăn hằng ngày ít rau xanh và chất xơ dẫn đến táo bón, thường xuyên ăn đồ cay nóng, uống nhiều bia rượu…
“Táo bón chính là điều kiện thuận lợi, thúc đẩy trĩ nặng thêm. Hoặc các bệnh lý kèm theo khiến trĩ xuất hiện như các khối u ở vùng hậu môn trực tràng”, bác sĩ Minh cho biết.
Bác sĩ Minh cho hay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh trĩ, cần đến bệnh viện để được thăm khám. Đối với bệnh nhẹ bác sĩ sẽ hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc uống thuốc tại nhà, nếu trĩ nặng cần phẫu thuật hoặc làm thủ thuật loại bỏ búi trĩ.
Hiện có nhiều phương pháp phẫu thuật, các bác sĩ sẽ đánh giá tùy theo mức độ có phương pháp lựa chọn phù hợp.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu có bất thường vùng hậu môn như: ngứa, đau rát hoặc đi cầu thấy đau nên đi khám liền, độ nhẹ có thể xử lý bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt, uống thuốc…
Nên ăn thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, thường xuyên ngâm hậu môn trong nước ấm từ 10-15 phút mỗi lần, tránh vận động nặng, ngồi hoặc đứng lâu, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, hạn chế ăn độ cay nóng, rượu, bia…
Bên cạnh đó, tập thói quen không ngồi quá lâu, sau 30 phút đi lại một chút, mỗi ngày tập thể dục tối thiểu 30 phút, không để táo bón kéo dài…
Nữ giới mắc bệnh trĩ mang thai điều trị ra sao?
Theo bác sĩ Minh, đối với phụ nữ ở độ tuổi mang thai, khi thai kỳ càng lúc càng to sẽ cản trở hồi lưu máu, khiến búi trĩ ứ máu, sưng to gây ra các triệu chứng khó chịu.
Do vậy, khi mắc trĩ ở độ tuổi mang thai chủ yếu là bảo tồn, không can thiệp, mà chỉ điều chỉnh sinh hoạt, tránh táo bón, chờ sinh xong để đánh giá búi trĩ cần can thiệp hay không.
Trường hợp cấp tính tùy theo biến chứng để xử lý trong thai kỳ.