‘Trái banh’ bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn bị đá sang bệnh nhân. Người dân đóng tiền BHYT không thiếu đồng nào nhưng khi cần thuốc thì như ban phát từ thiện, có thì cho, không có thì người bệnh phải ra bên ngoài mua.
Trước dự thảo thông tư của Bộ Y tế đề xuất Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh, đa phần bạn đọc phản hồi với Tuổi Trẻ Online đều không đồng tình, và đề nghị không đẩy khó việc của cơ quan y tế sang người dân.
Lấy lại tiền đã mua thuốc bên ngoài không dễ
Theo ý kiến bạn đọc tên Thuần (dược sĩ), dự thảo này của Bộ Y tế rất bất cập vì số tiền mua thuốc đôi khi không quá lớn (chỉ vài trăm nghìn đồng) nên người bệnh thấy thủ tục phức tạp rồi bỏ qua, hoặc cũng không phải mua ở đâu cũng có hóa đơn.
“Theo dự thảo thông tư này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi bệnh nhân. Một người chỉ vài chục, vài trăm nghìn nhưng toàn thể bệnh nhân trên cả nước số tiền sẽ rất khổng lồ”, bạn đọc Thuần nhìn nhận.
Chị Linh thì cho rằng việc lấy lại tiền từ cơ quan nhà nước chưa bao giờ dễ dàng, và càng khó khăn hơn với hóa đơn thuốc lẻ tẻ của từng người dân phải đi mua rồi tập hợp chứng từ đúng yêu cầu để đi đòi tiền lại của bảo hiểm.
“Bệnh nhân khổ lắm”, chị Trâm chia sẻ khi việc tự đi mua thuốc, cây kim, sợi chỉ… là cực chẳng đã. Theo chị, tất cả việc này là chuyên môn trách nhiệm của ngành y với người dân lâm cảnh bệnh tật, cần phải lo tối đa.
“Hô hào người dân tham gia BHYT mà để tình trạng như vậy thì cái thẻ BHYT thành vô dụng”, anh Trần Bá Duy nêu ý kiến.
Bạn đọc với nickname 5 Mì Lát đặt câu hỏi: “Sao không để nhà thuốc bệnh viện (xem như khoa dược) thanh toán trực tiếp với BHYT phần đồng chi trả cho tiện với bệnh nhân bị bắt buộc mua thuốc trong danh mục BHYT do khoa dược không có, mà phải đi thanh toán lòng vòng?”.
Đừng “đá banh” BHYT qua người dân
Nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online rằng các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục BHYT chi trả cho người bệnh tham gia BHYT, đừng “đá banh” sang người dân.
Ông Châu Nguyễn đề nghị không đẩy khó việc của cơ quan y tế sang người dân. “Chúng tôi đóng tiền mua là thực hiện xong nghĩa vụ rồi. Việc còn lại của BHYT, vậy thôi”, ông nhận định.
Tương tự, bạn đọc với nickname 5 Mì Lát thẳng thắn: “Trái banh vẫn còn trao cho bệnh nhân. Đóng thì không thiếu, còn nhận như ban phát từ thiện, có thì cho không có thì thôi, huề cả làng”.
Bạn đọc tên Trọng mong muốn Quốc hội cần vào cuộc chất vấn ngành bảo hiểm và ngành y tế để có câu trả lời và giải quyết thích đáng cho người dân. Để góp ý dự thảo này được xác đáng, Bộ Y tế phải sử dụng các phương tiện đưa dự thảo này đến tận tay nhóm người bị tác động và nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp.
Bên cạnh phần đông bạn đọc không đồng tình dự thảo thông tư của Bộ Y tế đề xuất Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh, một số bạn đọc cho rằng đề xuất này cũng có lợi cho người bệnh mà không phải tự bỏ tiền ra mua như trước đây, nhưng lo lắng về khâu thanh toán.
“Tôi ủng hộ nếu bệnh nhân tự mua thuốc ở bên ngoài về thanh toán với BHYT ổn, thủ tục đơn giản, dễ thanh toán. Còn nếu thủ tục rườm rà khó thanh toán thì sao?”, ông Nguyễn Đức Hải chia sẻ.
Theo bác sĩ Hà Ngọc Cường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ), về quy định bệnh viện phải hướng dẫn người bệnh mua tại bệnh viện nhà thuốc hoặc đơn vị trúng thầu sẽ có một số khó khăn.
Hiện nay bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân theo biệt dược, liều dùng. Bác sĩ không nắm được các danh sách các nhà thầu đã trúng thầu BHYT. Dược sĩ có trách nhiệm tư vấn cho bệnh nhân các loại thuốc.
Trong khi đó, dược sĩ trong bệnh viện nhân lực chỉ đáp ứng đủ việc kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Rất khó để tư vấn chi tiết cho từng bệnh nhân về các loại thuốc đã trúng thầu mà bệnh viện đang thiếu.