Nghiên cứu mới chỉ ra giờ tập thể dục tốt nhất cho mọi người là vào cuối ngày, từ 6h chiều trở đi.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney (Úc) đã theo dõi gần 30.000 người thừa cân trong suốt 8 năm để xem thời gian tập thể dục ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe.
Họ tập trung vào những người được phân loại là béo phì – có chỉ số khối cơ thể từ 30 trở lên – vì nhóm này “có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ và chết sớm cao hơn nhiều”, tiến sĩ Angelo Sabag, giảng viên về tập thể dục sinh lý học tại Đại học Sydney, cho biết.
Khoảng 2.995 người tham gia cũng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2.
Tập thể dục cuối ngày giúp giảm 61% nguy cơ chết sớm
Những người được nghiên cứu được chia thành bốn nhóm dựa theo thời gian họ thường bắt đầu vận động trong ngày. Việc tập thể dục của họ được theo dõi 24 giờ mỗi ngày bằng các thiết bị đeo ở cổ tay.
Sử dụng dữ liệu của Cơ quan Y tế quốc gia, các nhà nghiên cứu có thể theo dõi diễn biến sức khỏe của những người tham gia trong gần 8 năm.
Trong giai đoạn này, họ ghi nhận 1.425 trường hợp tử vong, 3.980 trường hợp mắc bệnh tim mạch và 2.162 trường hợp rối loạn chức năng vi mạch (một loại bệnh tim ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ nhất phân nhánh từ động mạch vành, các mạch máu lớn cung cấp máu cho tim).
Những người tham gia mắc bệnh tim mạch và ung thư từ trước đã bị loại khỏi phân tích.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng so với những người không tập thể dục, những người dành thời gian vận động vào buổi tối (từ 6h chiều trở đi) giảm được nhiều rủi ro sức khỏe.
Cụ thể, giảm 61% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào; giảm 36% nguy cơ mắc bệnh tim mạch; giảm 24% nguy cơ mắc bệnh vi mạch.
Tập thể dục buổi sáng và buổi chiều cũng được cho là có lợi, mặc dù không nhiều bằng tập thể dục buổi tối. Cụ thể, nhóm tập thể dục sáng có nguy cơ tử vong thấp hơn 33% và nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 17%; nhóm tập thể dục chiều có nguy cơ tử vong thấp hơn 40% và nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 16%.
Nghiên cứu cũng nhận thấy xu hướng tương tự ở những người tham gia mắc bệnh tiểu đường type 2, vì những người tập thể dục buổi tối cho thấy tỉ lệ tử vong và bệnh tật thấp nhất.
Tần suất quan trọng hơn tổng thời gian tập luyện
Điều thú vị là tần suất tập thể dục của mọi người dường như quan trọng đối với sức khỏe hơn là tổng thời gian tập luyện.
Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Matthew Ahmadi, nhấn mạnh nghiên cứu này không chỉ theo dõi các hình thức tập thể dục có cấu trúc. Thay vào đó, họ tập trung vào các hoạt động thể chất vừa phải đến mạnh mẽ kéo dài từ ba phút trở lên.
“Chúng tôi không phân biệt loại hoạt động mà chúng tôi theo dõi, từ đi bộ nhanh, leo cầu thang, đến các bài tập có cấu trúc như chạy, lao động nặng nhọc hoặc thậm chí là dọn dẹp nhà cửa một cách mạnh mẽ”, tiến sĩ Ahmadi nói.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng phát hiện của họ cần được xác nhận bằng các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt hơn. Nhưng kết quả cho thấy những người mắc bệnh béo phì và tiểu đường có thể xem xét thay đổi một số hoạt động của họ vào cuối ngày.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Chăm sóc bệnh tiểu đường.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng chỉ cần 22 phút tập thể dục mỗi ngày là đủ để giảm nguy cơ tử vong sớm và khắc phục những tổn hại sức khỏe do công việc văn phòng gây ra.
Một nghiên cứu khác cho thấy đi bộ có thể đủ cải thiện tuổi thọ của bạn: tối thiểu 4.000 bước mỗi ngày được coi là đủ, còn nếu tăng con số đó lên 10.000 sẽ làm giảm 39% nguy cơ tử vong sớm.
Những thói quen tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần
• Làm những việc bạn thích mỗi ngày: nấu ăn, gặp gỡ bạn bè, đọc sách…
• Bổ sung nước đầy đủ (uống từ 6-8 cốc nước mỗi ngày).
• Ăn nhiều trái cây và rau củ để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và một số loại ung thư; ăn đậu, các loại hạt, cá, trứng và thịt để phục hồi cơ thể sau chấn thương, tinh bột để lấy năng lượng; uống sữa để giúp xương chắc khỏe.
• Tránh thuốc lá, rượu bia.
• Ưu tiên sức khỏe tinh thần.
• Ngủ đủ giấc và chất lượng, cố gắng ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm.
• Duy trì giao tiếp xã hội.
• Hoạt động thể chất để giảm nguy cơ trầm cảm và sa sút trí tuệ, bệnh tim, đột quỵ, Parkinson và một số loại ung thư…