Polyp đại tràng có thể dẫn đến ung thư?

Hiện nay người bệnh ung thư đại trực tràng đang có xu hướng trẻ hóa. Việc chủ quan với các polyp đại tràng có thể dẫn đến ung thư đại trực tràng.

Người bệnh ung thư nghe tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc trong điều trị - Ảnh: THU HIẾN
Người bệnh ung thư nghe tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc trong điều trị – Ảnh: THU HIỀN

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thắng – trưởng khoa ngoại ngực bụng, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) – cho biết polyp chia thành hai dạng: có nguy cơ trở thành ung thư và không có nguy cơ tiến triển thành ung thư.

Những polyp nào nếu kết quả giải phẫu bệnh là bướu, tuyến, ống, nhánh thì có khả năng ung thư. Trên bướu, tuyến, ống, nhánh chia theo nghịch sản, nếu nghịch sản cao trở thành ác tính lớn, còn lại tùy mức độ.

Nhóm thứ hai là polyp lành tính không có khả năng ung thư như: dạng viêm, mô thừa…

Bác sĩ Thắng cũng cho hay có rất nhiều nguyên nhân gây ra polyp thường như liên quan đến yếu tố về gene, gia đình di truyền…

Do các khối polyp rất nhỏ do đó người dân nên đi nội soi, các phương tiện hình ảnh chụp CT, MRI rất khó phát hiện.

Bác sĩ Thắng khuyến cáo ung thư đại trực tràng chiếm tỉ lệ cao trên thế giới và Việt Nam. Do đó, nếu trên 50 tuổi người dân hãy cố gắng sắp xếp thời gian đi nội soi xem có vấn đề gì bất thường không.

Một số khuyến cáo giảm xuống chỉ còn 45 tuổi, những người có người thân trong gia đình từng mắc thì có yếu tố nguy cơ cao cần đi tầm soát sớm hơn.

Ngoài ra, nên chú ý đến tiêu hóa, tránh táo bón, có thói quen đại tiện đều đặn mỗi ngày. Bệnh lý táo bón, chậm lưu thông tiêu hóa cũng là yếu tố dẫn đến bệnh lý ung thư đại trực tràng. Có thể uống nước đầy đủ, ăn theo chế độ nhiều rau xanh, trái cây rất tốt cho đường tiêu hóa.

TS Lâm Việt Trung – phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – cho biết nhiều trường hợp polyp đại tràng bị đa hóa và có thể phát triển thành ung thư, tuy nhiên không phải tất cả polyp này đều phát triển thành ung thư.

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện khoảng 1.200 ca phẫu thuật ung thư đại trực tràng/năm. Đa số người bệnh đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp khó khăn.

Nhiều bệnh nhân khi phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn đã di căn thì không điều trị mà xin về. Bệnh nhân thấy di căn là bỏ về.

Tuy nhiên, hiện nay với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bệnh nhân ung thư đại trực tràng có di căn gan, phổi vẫn có thể điều trị triệt để được bằng phương pháp hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, cắt cả khối u di căn.

Do vậy, người bệnh sẽ có tiên lượng sống cao hơn. Theo thống kê, tỉ lệ sống của bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn gan khoảng 50-60% rất cao.

Bác sĩ Trung khuyến cáo, hiện nay ung thư đại trực tràng có xu hướng trẻ hóa, với những người trên 40 tuổi trở lên nên đi tầm soát sức khỏe bằng phương pháp nội soi, xét nghiệm phân, tùy theo mức độ triệu chứng làm thêm xét nghiệm.

Dấu hiệu nhận biết, giai đoạn của ung thư đại trực tràng?

Các bác sĩ cho biết dấu hiệu nhận biết ung thư đại trực tràng như: rối loạn tiêu hóa kéo dài, chán ăn, khó tiêu, đầy bụng vùng trên rốn, ăn không ngon khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, giảm cân bất thường, đi ngoài nhiều, xuất hiện máu trong phân…

Tiên lượng sống sau 5 năm ở người bị ung thư tùy thuộc vào giai đoạn bệnh:

– Giai đoạn 0 và giai đoạn 1: Được xem là giai đoạn rất sớm của bệnh và có tỉ lệ chữa khỏi cao. Sau phẫu thuật, 94% số bệnh nhân sẽ sống được sau 5 năm.

– Giai đoạn 2: Khoảng 1/4 (24%) số người bị ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau, sau khi phẫu thuật hơn 3/4 (lên đến 82%) người bệnh có thể sống trên 5 năm.

– Giai đoạn 3: Khoảng 23% số người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tiên lượng phụ thuộc vào số lượng các hạch bạch huyết có chứa tế bào ung thư. Sau khi phẫu thuật, gần 1/2 người bệnh (67%) sẽ sống ít nhất 5 năm.

– Giai đoạn 4: Khoảng 9% số người mắc ung thư đại trực tràng đã lan sang các cơ quan khác tại thời điểm chẩn đoán. Đối với giai đoạn này, tỉ lệ sống thấp, chỉ có khoảng 11% số người bệnh sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *