Phép dưỡng sinh trong giấc ngủ góp phần cho sức khỏe và trường thọ

Giấc ngủ có vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người, nhưng ngủ như thế nào cho đúng cách, nói như y học cổ truyền phương Đông là hợp phép dưỡng sinh, là điều không phải ai ai cũng tường tận.

Ảnh minh họa - Nguồn: medicaldaily.com
Ảnh minh họa – Nguồn: medicaldaily.com

Ai cũng ngủ, nhưng vẫn có thể ngủ chưa đúng

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn – nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – cho biết giấc ngủ giữ một phần quan trọng trong chất lượng cuộc sống. Trong khi ta ngủ, mọi cơ quan trong cơ thể sẽ được thư giãn để tái tạo năng lượng sống, giúp cho não bộ được nghỉ ngơi, loại trừ căng thẳng và mệt mỏi, tăng cường khả năng tập trung, trí nhớ và sự sáng suốt.

Khi ngủ, trái tim được giảm cường độ hoạt động, nhịp độ của hệ tuần hoàn ổn định hơn… Chính vì vậy, cần phải có một giấc ngủ sâu, đầy đủ và không bị ảnh hưởng nhiều từ những tác động bên ngoài. Y học cổ truyền phương Đông rất coi trọng phép dưỡng sinh giấc ngủ như sau.

– Trang bị phải đúng cách: Giường phải có độ cứng thích hợp, nếu cứng quá thì khó có giấc ngủ ngon, khi ngủ dậy toàn thân sẽ đau nhức, nhất là với người có tuổi và mắc bệnh về xương khớp. Nếu giường quá mềm lại dễ làm cho xương sống ở trạng thái cong, cơ quan nội tạng dễ bị chèn ép hoặc bị kéo căng ra nên giấc ngủ sẽ không sâu.

Giường ngủ kê theo hướng nam – bắc là tốt nhất, khi ngủ đầu hướng về phía bắc, chân hướng về phía nam mới không phải chịu ảnh hưởng của địa từ. Gối ngủ cũng phải có độ mềm và chiều cao phù hợp, tốt nhất là dày chừng 10cm. Để có một giấc ngủ tốt, chăn gối phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thơm tho.

– Tư thế ngủ phù hợp: Tư thế ngủ hợp sinh lý nhất là nằm nghiêng về bên phải, thân thể co tự nhiên. Tuy nhiên cũng cần lựa chọn tư thế ngủ tùy theo bệnh lý, ví như người bị bệnh tim nên nằm nghiêng bên phải là tốt nhất để tránh tim bị ép xuống. Người bị huyết áp cao nên gối cao vừa phải để tránh bị đau phần ngực.

Người bị bệnh phổi ngoài việc gối cao vừa phải còn cần thường xuyên thay đổi tư thế nằm sao cho có lợi cho việc bài trừ chất đờm. Những người mắc bệnh dạ dày và bệnh gan, khi ngủ tốt nhất nên nằm nghiêng sang bên trái. Người bị đau các khớp nên cố gắng tránh tư thế đè ép gây đau nhiều cho chi thể bị bệnh.

Nói tóm lại, lựa chọn tư thế ngủ phù hợp không những có lợi cho việc chữa trị bệnh tật và phục hồi sức khỏe, mà còn có tác dụng hỗ trợ cho việc ngủ ngon.

– Thời gian ngủ đầy đủ: Thời gian ngủ phải đầy đủ, nếu ngủ thiếu thời gian sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, hiệu quả công việc sẽ suy giảm. Nhưng ngủ quá nhiều cũng làm cho độ linh hoạt của cơ thể kém đi gây ra phản ứng chậm chạp do vỏ đại não bị ức chế trong thời gian dài. Hai tình huống này đều gây cản trở cho công việc hằng ngày, đương nhiên cũng rất có hại cho cơ thể.

Phép dưỡng sinh học Đông y cho rằng: “Ngủ như ăn uống, không ăn quá no” và chủ trương “không nên dậy muộn, không nên ngủ nhiều”. Sinh lý học hiện đại cho rằng một chu trình ngủ tồn tại hai pha là ngủ có giấc mơ và ngủ không có giấc mơ, kéo dài khoảng 90 phút.

Các chuyên gia nước ngoài khi nghiên cứu về giấc ngủ đã rút ra kết luận: bình quân thời gian ngủ của người trưởng thành trong một ngày là 7,5 giờ, tức là 5 chu kỳ ngủ. Kết quả nghiên cứu thống kê cho thấy ngủ ít và ngủ nhiều điều ảnh hưởng tới tuổi thọ, những người ngủ trung bình 7-8 giờ một ngày thì tuổi thọ thường cao hơn.

– Môi trường ngủ hợp chuẩn: Ngủ ngon hay không có liên quan mật thiết với môi trường ngủ. Để có giấc ngủ ngon, nhiệt độ trong phòng cần vừa phải, khoảng 18-200C là tốt nhất, đảm bảo yên tĩnh, không có hoặc giảm tiếng ồn ở mức tối thiểu, phòng ngủ cần hơi tối, không bị ảnh hưởng bởi bức xạ điện từ, độ ẩm trung bình, có độ thông thoáng phù hợp, nên mở cửa sổ khi ngủ.

Thói quen trước khi đi ngủ của những người sống thọ

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội, nhấn mạnh con người chúng ta dành 1/3 thời gian cuộc đời cho việc ngủ để cho các bộ phận cơ thể, đặc biệt là não bộ được nghỉ ngơi.

Trong đó, giấc ngủ đêm luôn chiếm nhiều thời gian nhất, vì vậy, những việc làm trước khi đi ngủ vào ban đêm có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. 

Nếu thực hiện những hoạt động giúp giấc ngủ trở nên sâu và ngon hơn thì sức khỏe tổng thể của cơ thể sẽ được nâng cao, cải thiện sức đề kháng và kéo dài tuổi thọ.

– Đi bộ nhẹ nhàng trước khi ngủ khoảng 1 tiếng: Nhiều người có thói quen tập thể dục quá sức trước khi đi ngủ, điều này sẽ khiến các dây thần kinh vận động bị hưng phấn, do đó dễ làm giảm chất lượng giấc ngủ.Nhưng bài tập nhẹ nhàng, phù hợp trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng lại đem đến hiệu quả sức khỏe rất tốt.

– Không ăn quá no trước khi đi ngủ: Chúng ta không nên ăn quá no vào buổi tối, bởi bình thường hệ tiêu hóa của con người mỗi ngày chỉ tiết ra một lượng dịch tiêu hóa nhất định.Nếu ăn quá no sẽ khiến dạ dày căng phồng, việc tiết dịch tiêu hóa không đủ, thức ăn không được tiêu hóa hết đã bị bài tiết ra ngoài.

– Không xem điện thoại trước khi ngủ: Với sự phát triển của xã hội, công nghệ điện tử ngày càng trở nên phổ biến nên nhiều người đã hình thành thói quen nghịch điện thoại trước khi ngủ, vô hình trung khiến bạn thức khuya. Cơ thể không được nghỉ ngơi, tổn thương thị lực, lâu dài thị lực sẽ ảnh hưởng đến gan tức là gan tiêu hao máu, sẽ làm cho gan bị tổn thương.

Theo một số nghiên cứu, nếu bạn đi ngủ trước 11h đêm, thức dậy vào khoảng 6 – 7h sáng, tổng thời gian ngủ khoảng 8 tiếng, rất có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ.

– Ngâm chân trước khi đi ngủ: Ngâm chân trước khi đi ngủ là một phương pháp chăm sóc sức khỏe rất hiệu quả.Có hơn 60 huyệt đạo trên bàn chân có liên quan mật thiết đến các nội tạng của cơ thể.

Thói quen ngâm chân trong nước có nhiệt độ vừa phải, xoa bóp các ngón chân và lòng bàn chân ngoài giúp thúc đẩy quá trình lưu thông khí và huyết, còn có thể kích hoạt kinh lạc, giúp cân bằng âm dương, an thần, cơ thể thư giãn và dễ ngủ hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *