Phẫu thuật thẩm mỹ cho người nước ngoài: Việt Nam đang tiến những bước dài

SKĐS – Ngành Phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) của Việt Nam 5 năm trở lại đây đang phát triển khá mạnh. Ngoài khách trong nước, còn có một lượng lớn khách nước ngoài, Việt kiều về Việt Nam để thực hiện PTTM.

Khách nước ngoài, Việt kiều về nước làm đẹp

Những năm gầy đây, Y tế Việt Nam đang trở thành điểm đến của Việt kiều và người nước ngoài đến chữa trị nhờ đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào và làm chủ các kỹ thuật cao.

Thời điểm dịch COVID -19 bùng phát, làn sóng người nước ngoài khám bệnh tại Việt Nam bị chững lại, nhưng hiện nay, khi dịch đã được đẩy lùi, làn sóng người nước ngoài, Việt kiều trở về Việt Nam để điều trị hiếm muộn, phẫu thuật thẩm mỹ có chiều hướng tăng mạnh, đặc biệt ở TP.HCM.

Tại Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, tiếp nhận khoảng 150 người, đặc biệt 30 – 40% là Việt kiều và du học sinh về nước đến làm đẹp. Việt kiều và du học sinh chủ yếu thực hiện các dịch vụ trị mụn, trẻ hóa da, tiêm filler, căng chỉ… Các kỹ thuật, thiết bị ở Việt Nam hiện cũng tương đương với nước ngoài nhưng chi phí chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10.

Trong khi đó, ở các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân, con số này còn lớn hơn nhiều. BS. Tú Dung – Tổng Giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ ở TP.HCM cho biết, năm 2023, chúng tôi đón tiếp gần 1 triệu Việt kiều đến phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh răng hay làm đẹp da. Trong đó, lượng khách định cư ở Mỹ, Australia, Canada… nhiều nhất.

“Nhiều bệnh nhân kể lại với chúng tôi rằng ở Mỹ hay nhiều nước phương Tây, muốn làm thẩm mỹ chưa chắc làm được ngay, phải mất khá lâu để chờ đợi, có khi đến 6 tháng và chi phí cho các cuộc đại phẫu là rất lớn. Trong khi đó, khách ở nước ngoài chỉ cần liên hệ với bệnh viện vài tuần trước khi về nước là có thể thực hiện”, BS. Tú Dung nói.

Ðể tìm hiểu nguyên nhân của việc người nước ngoài tìm đến Việt Nam để PTTM, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá, TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn – Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y). Theo TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn, giá thành chỉ là một yếu tố để khách nước ngoài lựa chọn Việt Nam. “Cách đây 5 năm, tôi thực hiện ca phẫu thuật làm mũi cho một cô gái người Nga đến Việt Nam du lịch. Cô ấy rất ngạc nhiên khi tôi sử dụng công nghệ nâng mũi mới nhất, hiện đại nhất tương tự như của Mỹ khi đó. Ðến nay đã 6 năm rồi, tôi vẫn nhận được phản hồi tốt từ cô ấy vì không có biến chứng cũng như bất cứ trục trặc nào. Mặc dù chi phí thấp hơn nếu làm ở Nga nhưng quan trọng là họ nhận thấy, bác sĩ Việt Nam có kinh nghiệm làm mũi thuần thục hơn các nước châu Âu. Nếu như hút mỡ, căng da mặt ở châu Âu rất phát triển thì nâng mũi ở châu Á lại đang đứng đầu.

Cũng theo TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn, riêng nha khoa thì Việt Nam là “thiên đường” vì ở các nước châu Âu, nha khoa không thuộc danh mục bảo hiểm nên chi phí rất đắt đỏ, gấp 5 lần so với Việt Nam. Trong khi đó ở nước ta, chi phí rẻ và chất lượng phôi sứ cũng đều nhập từ châu Âu. Vì thế, dịch vụ này ở Việt Nam rất được ưa chuộng.

Hơn 20 năm làm thẩm mỹ, BS. Nguyễn Ngọc Nhơn – Khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ – Bệnh viện Trưng Vương đúc kết: Phẫu thuật thẩm mỹ tuy là một ngành có yếu tố dịch vụ nhưng người thực hiện lại là bác sĩ; và ngoài làm đẹp thì còn liên quan đến tính mạng, sức khỏe nên bác sĩ phải có nguyên tắc nghề nghiệp chứ không phải lúc nào cũng chiều theo ý khách hàng.

Phẫu thuật thẩm mỹ cho người nước ngoài: Việt Nam đang tiến những bước dài - Ảnh 1.
Theo BS. Nguyễn Ngọc Nhơn (bên trái), ngành PTTM ngoài làm đẹp còn liên quan sức khỏe, tính mạng, nên bác sĩ phải có nguyên tắc nghề nghiệp… Ảnh: NVCC.

Quan sát nhu cầu của khách hàng, BS. Nguyễn Ngọc Nhơn nhận thấy rằng: Khách hàng nước ngoài sẵn sàng trả tiền nhiều nhưng đòi hỏi cũng khắt khe hơn. họ hiểu về luật, sẵn sàng thuê luật sư để kiện bác sĩ chứ không có chuyện xuề xòa. Cho nên khi tiếp cận nhóm khách hàng này, BS. Nguyễn Ngọc Nhơn cũng như các bác sĩ phẫu thuật của nước ta phải làm rất chặt chẽ, thận trọng; cam kết những gì đúng với khả năng của mình chứ không tô hồng, đánh bóng.

Là người tham dự nhiều cuộc hội nghị, hội thảo về thẩm mỹ ở nước ngoài, TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn cho rằng, hiện nay, mạng xã hội phát triển nên việc giao lưu, chia sẻ công nghệ mới giữa các nước có ngành công nghiệp thẩm mỹ diễn ra rất nhanh, rút ngắn được khoảng cách về trình độ. Nếu so sánh thì bác sĩ Việt Nam bây giờ không thua kém gì bác sĩ Hàn Quốc hay Nhật Bản. Vì thế người nước ngoài tìm đến Việt Nam để sử dụng dịch vụ PTTM ngày càng nhiều hơn và người dân nước ta không cần phải ra nước ngoài. Chưa kể, vấn đề bảo hành, bảo trì sau phẫu thuật nhiều khi rất bất tiện nên xu hướng khách hàng chọn trong nước còn là để tiện cho những tình huống phát sinh sau đó.

Bệnh nhân nước ngoài ấn tượng về bác sĩ Việt Nam

Vấn đề về trang thiết bị trong chuyên ngành PTTM cũng là yếu tố quan trọng cho mỗi dịch vụ. Trang thiết bị y tế ở Việt Nam hiện nay không thua kém gì các nước. Vốn là người mê công nghệ nên TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn cũng tìm hiểu khá nhiều về lĩnh vực này. Theo anh, hễ nước ngoài có công nghệ mới nào thì Việt Nam cũng sẽ có đồng thời. Thậm chí “chịu chơi” tới mức, khách hàng yêu cầu máy gì là ngay lập tức các bệnh viện thẩm mỹ sẽ “dốc hầu bao” để nhập về. Những chiếc máy làm đẹp vài tỷ đến trên 10 tỷ đồng không còn là hiếm ở các bệnh viện thẩm mỹ nên khách hàng hoàn toàn được hưởng những thành quả ưu việt nhất mà không cần phải đi đâu xa.

“Vừa rồi tôi đi thăm quan các cơ sở thẩm mỹ ở Hàn Quốc thấy về cơ sở vật chất, trừ những bệnh viện có lịch sử lâu năm, còn lại ngay tại Seoul mà không khang trang, rộng rãi như của Việt Nam mình. Hơn nữa, quy định về y tế của Việt Nam còn chặt chẽ hơn nên độ an toàn cũng được đảm bảo hơn. Ví dụ như ở Hàn Quốc, các phòng khám đã được phép gây mê, nhưng ở Việt Nam thì chỉ bệnh viện mới được gây mê. Bây giờ xu thế toàn cầu hóa rồi nên chúng tôi được đến tận các nhà máy sản xuất nguyên liệu làm đẹp như filler, túi ngực ở Thụy Sỹ, hay sang Hàn Quốc thăm nhà máy sản xuất impland làm răng, mũi. Các nước này hiện rất quan tâm đến thị thị trường Việt Nam vì nhận thấy nhiều tiềm năng và cơ hội”, TS.BS. Hoàng Thanh Tuấn chia sẻ.

Theo nhận định của BS. Nguyễn Ngọc Nhơn, giá thành thấp hơn ở nước ngoài là yếu tố đầu tiên. Ví dụ làm mũi ở Mỹ 5 ngàn đô thì cũng số tiền đó, làm mũi ở Việt Nam hết 2 ngàn, vẫn còn 3 ngàn để đi du lịch. Trừ những người không có thời gian để về nước thì mới bắt buộc làm ở nước ngoài. Thứ hai nữa, PTTM không phải chỉ làm như robot mà nó còn liên quan đến kỹ năng, mà muốn có kỹ năng thì phải làm nhiều. Riêng về nâng mũi thì ở Việt Nam làm rất nhiều nên trình độ tay nghề của bác sĩ rất giỏi.

Không phải cứ đầu tư máy móc hiện đại, đắt tiền là đẹp đâu, nó còn là yếu tố khéo tay nữa. Người Việt vốn có tiếng về sự khéo léo, tỉ mỉ, xuất phát từ văn hóa cầm đũa nên những công việc liên quan đến đôi tay sẽ có lợi thế hơn. Giống như người chơi piano, bàn tay của họ khác với người lao động. Ðây là những yếu tố quan trọng để bác sĩ thẩm mỹ người Việt đạt trình dộ rất cao, đặc biệt trong các dịch vụ làm đẹp về mắt, mũi,…

Theo một bệnh viện thẩm mỹ Hàn Quốc ở TP HCM, đa số Việt kiều chọn về nước làm đẹp vì giá hợp lý, chi phí đi lại không quá đắt đỏ và tiện kết hợp thăm gia đình, bạn bè. Cụ thể, ca nâng ngực tại Việt Nam tầm 80-100 triệu đồng, trong khi ở nước ngoài giá gấp đôi; hút mỡ 3.000 USD, còn Mỹ hay Australia dao động 6.000-9.000 USD; làm một chiếc răng sứ 5-7 triệu đồng (quốc tế khoảng 1.000-1.500 USD). Tương tự, phẫu thuật hàm 80-100 triệu đồng, ở Âu – Mỹ gấp 10 lần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *