Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều trào lưu độc lạ kết hợp cùng trà sữa, mì tôm gây nhiều tranh luận.
Từ trà sữa hành lá đến mì tôm ăn cùng cúc vạn thọ
Theo ghi nhận, gần đây mạng xã hội xuất hiện nhiều video do các TikToker thực hiện thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem, theo dõi.
Các video này xuất hiện với các chủ đề như: uống trà sữa trộn hành lá, ăn bông cúc vạn thọ với mì tôm…
Cụ thể một tài khoản TikTok đăng tải đoạn clip kéo dài hơn một phút thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ hình ảnh: trộn trà sữa cùng với hành lá cắt nhỏ để thu hút người xem.
Người trong clip đã trộn trà sữa cùng hành lá và giới thiệu món mới ra mắt của quán. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ và tỏ ý muốn thử món mới.
Tuy nhiên không ít bình luận cho rằng nếu sử dụng có thể gây ra vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói…
Tương tự, một clip thu hút được hàng chục nghìn lượt xem khi ăn mì tôm cùng lá và hoa cúc vạn thọ.
Theo clip, một người phụ nữ đã sử dụng lá và hoa cúc vạn thọ pha cùng nước nóng với mì tôm.
Người này cho rằng đây là món ăn ngon và không quên nhắc người xem: “Sau Tết nhà bà nào có cây hoa vạn thọ thì cứ mạnh dạn thử đi nha!?”.
Món lạ có thể gây dị ứng, tiêu chảy
Bác sĩ CKI Trần Thị Hiếu – phụ trách khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) – cho biết trong Đông y hành lá và hoa cúc vạn thọ đều là những vị thuốc tốt.
Hành lá là loại rau gia vị có công dụng chữa cảm lạnh, giải cảm, tăng sức đề kháng… Hoa cúc vạn thọ giúp điều hòa huyết áp, kích thích tiêu hóa…
Khi kết hợp giữa trà sữa và hành lá sẽ không đồng điệu về mùi vị, hành lá có vị hăng, tính nóng, trà sữa chứa nhiều đường và chất béo, cả hai đều có vị nóng, nếu uống vào khiến cơ thể khó chịu nóng hơn. Ít ai có thể uống hết được một ly nếu cả hai vị này pha trộn.
Về việc cúc vạn thọ ăn cùng mì gói mặc dù chưa ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên bông cúc thường để trang trí, trồng với mục đích làm cảnh có thể chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật ẩn chứa nguy cơ nếu ăn phải.
Bác sĩ Hiếu cho rằng ngoài những món ăn trên, nếu xuất hiện thêm các trào lưu mới có thể dẫn tới một vài món ăn có sự kiêng kỵ, nếu kết hợp có thể dẫn đến dị ứng, táo bón, tiêu chảy, vấn đề về tiêu hóa.
Làm gì khi lỡ uống trà sữa chứa nhiều đường, chất béo?
Theo bác sĩ Hiếu, trường hợp khi lỡ ăn hoặc sử dụng quá nhiều đường, chất béo cùng một lúc trong cơ thể chúng ta có thể ăn thêm rau xanh để giảm lượng hấp thu.
Cụ thể, khi nạp quá nhiều đường, chất béo, ta có thể sử dụng chất xơ hòa tan và chất xơ không tan có trong rau củ và trái cây để làm chậm hấp thu đường, chất béo vào máu.
Rau củ và trái cây được ví như chổi quét hết lượng chất béo dư thừa chưa hấp thụ ra khỏi cơ thể, làm đường giải phóng trong máu được từ từ.
Tốt nhất nên bổ sung đủ 20-25g chất xơ tối thiểu một ngày. Đặc biệt là những loại rau có lá cung cấp chất xơ dồi dào.
“Sau một bữa nạp quá nhiều chất béo nên ăn thêm một chén rau lá đầy, giúp cơ thể điều hòa lượng đường, chất béo nạp vào cơ thể”, bác sĩ Hiếu nói.