Những ai không nên phẫu thuật căng da mặt?

Các chuyên gia thẩm mỹ cảnh báo căng da mặt có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, chị em có nhu cầu làm đẹp cần cẩn trọng.

Các bác sĩ khuyến cáo cần cẩn trọng khi lựa chọn các phương pháp thẩm mỹ - Ảnh minh họa: REUTERS
Các bác sĩ khuyến cáo cần cẩn trọng khi lựa chọn các phương pháp thẩm mỹ – Ảnh minh họa: REUTERS

Mới đây, một nữ bệnh nhân 70 tuổi đã tử vong sau khi phẫu thuật căng da mặt cổ và thừa da mi dưới tại một bệnh viện thẩm mỹ ở TP.HCM.

Biến chứng nguy hiểm vì căng da mặt

Cụ thể, người phụ nữ 70 tuổi tại TP.HCM đến một bệnh viện thẩm mỹ điều trị chảy sệ da mặt và thừa da mi dưới. Tại đây, bà được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật căng da mặt cổ, phẫu thuật thừa da mi dưới.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện lơ mơ, kích thích, ngưng thở, nhịp tim rời rạc. Bệnh nhân được xử lý theo hướng ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ. Mặc dù được chuyển lên tuyến trên cấp cứu, bà đã tử vong sau đó.

Theo TS.BS Tống Hải – chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của nhiều người, tuy nhiên trước khi thực hiện bất kỳ phẫu thuật, biện pháp làm đẹp nào, chị em cũng cần tìm hiểu kỹ.

Với phẫu thuật căng da mặt, đây là phẫu thuật đại phẫu, theo quy định cần được thực hiện tại bệnh viện bởi bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ và hàm mặt.

Để phẫu thuật căng da mặt, các bác sĩ sẽ thực hiện bóc tách lớp cân da vùng mặt (trên hoặc dưới SMAS – hệ thống cân nông vùng nông của mặt). Sau đó kéo căng da về phía tai, thái dương, bỏ phần da thừa đi, giúp cho da vùng mặt căng lên, hết chảy sệ, giảm nhăn nheo.

“Căng da mặt có thể giúp làn da đã bị lão hóa giảm sa trễ hơn, loại bỏ các nếp nhăn trên khuôn mặt. Tuy nhiên phương pháp này cũng tiềm ẩn những nguy cơ biến chứng như phẫu thuật ngoại khoa vùng mặt. Bệnh nhân có thể chảy máu, tụ máu vùng cằm cổ hoặc chèn áp gây khó thở; nhiễm trùng, chậm liền vết thương…

Ngoài ra, có thể gặp biến chứng tổn thương dây thần kinh số 7 gây liệt mặt, lệch mặt, sẹo mổ phì đại hoặc sẹo lồi”, bác sĩ Hải cho hay.

Ai dễ biến chứng?

Bác sĩ Hải nêu rõ những người có thể thực hiện phương pháp này chỉ nên ở nhóm trung niên, không nên thực hiện ở người trẻ tuổi hoặc cao tuổi.

Đặc biệt, những người có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng như người cao tuổi, người mắc bệnh lý nội khoa như tiểu đường, các bệnh về tim mạch, các bệnh tự miễn tuyệt đối không nên áp dụng phương pháp này.

“Như trường hợp tử vong mới đây do phẫu thuật căng da mặt, nữ bệnh nhân đã 70 tuổi, đây là độ tuổi khá cao. Người cao tuổi trong giai đoạn lão hóa, suy giảm các chức năng, loãng xương, giảm chuyển hóa, bệnh lý mạch máu, chậm liền vết thương… nên nguy cơ biến chứng là rất lớn.

Với những trường hợp có nhu cầu căng da mặt, cần được bác sĩ tư vấn, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm nhằm đảm bảo an toàn trong phẫu thuật, tránh trường hợp sốc phản vệ do thuốc gây tê, gây mê.

Bác sĩ cần trao đổi với người bệnh những biến chứng có thể gặp phải, cân nhắc giữa việc làm đẹp bằng phương pháp này có thật sự cần thiết hay không. Hoặc có thể thay thế bằng các phương pháp thẩm mỹ khác, ít nguy cơ biến chứng hơn”, bác sĩ Hải chia sẻ.

Bác sĩ Hải cũng khuyến cáo mỗi người nên chăm sóc da từ sớm và kiên trì để giữ được khuôn mặt tươi sáng. Đồng thời duy trì thói quen lành mạnh, không thức khuya, hạn chế sử dụng các chất kích thích… cũng giúp làn da khỏe mạnh hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *