Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành y tế Đắk Nông khá thành công trong công tác phòng dịch, nhất là đã có nhiều giải pháp từ các cửa khẩu biên giới.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông, những năm gần đây gánh nặng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi đang gia tăng, khó lường trên thế giới như: COVID-19, thủy đậu, viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân, Ebola, MERS… nên việc phòng dịch phải được chú trọng.
Việc ngăn chặn dịch ở các cửa ngõ vào tỉnh được quan tâm, đặc biệt tập trung vào các vấn đề liên quan đến bệnh dịch hạch và trung gian truyền bệnh tại cửa khẩu.
Chủ động và nỗ lực phòng dịch bệnh lạ ngay cửa khẩu
Để ngăn chặn bệnh không xâm nhập, tại 2 cửa khẩu Bu Prăng (Tuy Đức, Đắk Nông) và Đắk Puer (Đắk Mil, Đắk Nông), công tác phòng chống dịch luôn được chú trọng từ trước, trong và sau giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
Tại 2 cửa khẩu này, ngành y tế Đắk Nông luôn thực hiện các bước kiểm tra, giám sát theo quy trình, như: thu thập thông tin và xử lý thông tin trước khi nhập cảnh, kiểm tra giấy tờ và kiểm tra thực tế, xử lý y tế với người nhập cảnh.
Bên cạnh đó, các cán bộ y tế cửa khẩu luôn thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn khu vực cửa khẩu. Đặc biệt khâu tuyên truyền, tư vấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhóm A, bệnh mới nổi, tái nổi đến người xuất – nhập cảnh, cộng đồng, người dân khu vực cửa khẩu luôn được chú trọng.
Tính đến cuối năm 2023, có gần 164.600 lượt người xuất nhập cảnh qua khu vực biên giới tại 2 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được kiểm tra, giám sát và xử lý y tế.
Trong quá trình giám sát, ngành y tế ghi nhận 5 người nhập cảnh tại 2 cửa khẩu có các biểu hiện như: thân nhiệt ≥ 380C, nổi phát ban.
Tuy nhiên, qua khám sàng lọc và khai thác yếu tố dịch tễ thì cơ quan chức năng không ghi nhận trường hợp mắc dịch bệnh nhóm A, bệnh mới nổi, tái nổi, nguy hiểm…
Tại 2 cửa khẩu, tình hình dịch bệnh được cập nhật, theo dõi trên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Campuchia.
Vượt khó khăn, tăng trách nhiệm
Trong năm 2023, ngành y tế Đắk Nông đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức giám sát vector vật chủ truyền bệnh dịch hạch 5 đợt tại 2 cửa khẩu.
Kết quả giám sát cho thấy không có dịch ở người, động vật qua biên giới. Bên cạnh đó, ngành y tế đã thực hiện giám sát lăng quăng/bọ gậy và muỗi truyền bệnh 4 đợt tại 2 cửa khẩu.
Qua đợt các điều tra, giám sát vector trung gian truyền bệnh tại 2 cửa khẩu cho thấy có sự hiện diện của lăng quăng/bọ gậy và muỗi trưởng thành thuộc họ Aedes là vector truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, sốt vàng, Chikungunya, Zika nhưng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Sở Y tế đã cùng chiến sĩ, cán bộ y tế đồn biên phòng và cán bộ hải quan, người dân sinh sống xung quanh khu vực cửa khẩu thu gom, xử lý phế thải, dụng cụ chứa nước có lăng quăng/bọ gậy để phòng bệnh.
Sở Y tế Đắk Nông phối hợp với các đơn vị phun hóa chất diệt muỗi và côn trùng tại khu vực 2 cửa khẩu Bu Prăng và Đắk Peur trên tổng diện tích khoảng 80ha.
Ông Hà Văn Hùng – phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông – cho biết cùng với đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng dịch, đơn vị cũng tích cực chuẩn bị về trang thiết bị, vật tư y tế để xử lý kịp thời các bệnh lây nhiễm qua đường biên.
“Đắk Nông có đường biên giới khá dài với gần 140km đối với Campuchia nên chúng tôi đã bố trí 25 điểm chốt kiểm soát y tế cùng 2 cửa khẩu. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh đã đi kiểm tra để nắm tình hình và thúc đẩy việc kiểm soát tốt. Các y bác sĩ, cán bộ y tế tại 2 cửa khẩu đã vượt qua khó khăn, phát huy tốt vai trò và trách nhiệm của mình” – ông Hùng nói.