Nghỉ lễ tiệc tùng uống nhiều bia rượu, hôm sau chưa hết nồng độ cồn

Trong dịp nghỉ lễ, không ít người vui vẻ “quá chén” trong khi kỳ nghỉ lễ chỉ kéo dài 3 ngày. Liệu sau bao lâu mới hết nồng độ cồn để đảm bảo an toàn cho việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân?

Lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM đo nồng độ cồn người điều khiển ô tô - Ảnh: LÊ PHAN
Lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM đo nồng độ cồn người điều khiển ô tô

Lo lắng vì “say muộn”

Vào kỳ nghỉ lễ 2-9 trước đó, anh Thắng (31 tuổi, Hà Nội) từng bị phạt vì vi phạm nồng độ cồn dù đã uống rượu từ ngày hôm trước. Anh chia sẻ do cuộc vui nên có “quá chén” với bạn bè, sau cuộc nhậu vào đêm muộn, đến ngày hôm sau khi ngủ dậy anh vẫn nồng nặc mùi rượu.

“Trưa hôm sau, gia đình mới từ quê di chuyển lên Hà Nội. Lúc đó, tôi hoàn toàn tỉnh táo vì đã uống rượu từ hôm trước. Vì vậy, khi cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tôi không nghĩ rằng mình vi phạm, dù tôi chỉ vi phạm ở mức độ thấp”, anh Thắng chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, tùy từng trường hợp cơ thể đào thải rượu, bia chậm hơn hoặc nhanh hơn.

“Có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không. Những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn. Vì vậy, trong dịp lễ Tết khi đã sử dụng rượu, bia nên thận trọng”, bác sĩ Hoàng cảnh báo.

TS Bùi Lê Minh, trưởng ngành công nghệ sinh học Viện Kỹ thuật công nghệ cao NTT – Trường đại học Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng tốc độ đào thải cồn khỏi cơ thể phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, di truyền, cân nặng…

“Trung bình cơ thể sẽ mất khoảng 12-24 tiếng để hoàn toàn chuyển hóa và đào thải cồn khỏi cơ thể. Vì vậy, có thể xảy ra tình trạng sau một đêm nhậu “quá chén” khi ngủ dậy và đã tỉnh rượu nhưng bạn sẽ vẫn phát hiện ra cồn trong hơi thở”, TS Minh cho hay.

Uống 5 lon bia, bao lâu mới hết nồng độ cồn?

Theo bác sĩ, thông thường 1 đơn vị cồn tương đương 10g ethanol nguyên chất 200ml bia, 1 ly rượu vang 75ml, 1 chén rượu mạnh 25ml.

Một đơn vị cồn cần 1 tiếng phân hủy hoàn toàn qua đường hô hấp và bài tiết khoảng 15%, còn lại là cồn được đào thải tại gan.

Hai lon bia sẽ tương đương với 3 đơn vị cồn và chúng ta sẽ mất khoảng 3 tiếng để thải trừ cồn.

Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 tiếng để cồn trong hơi thở được phát tán hết. Khi đó, bạn thổi nồng độ cồn sẽ không dương tính. Như vậy, 2 lon bia bạn sẽ mất khoảng 6 tiếng để có thể đưa nồng độ cồn về 0.

Còn trường hợp bạn uống từ 5-6 lon bia (tương đương 8-9 đơn vị cồn) vào tối hôm trước, sẽ cần tối thiểu 12 tiếng để đảm bảo không phát hiện ra nồng độ cồn trong hơi thở.

“Với quy định hiện nay, khi bạn bị thổi nồng độ cồn chỉ cần phát hiện ra cồn trong hơi thở dù chưa tới 0,25mg/L bạn đã vi phạm. 

Vì vậy, uống một cốc bia trong vòng một tiếng bạn vẫn có khả năng bị phạt. Nếu bạn lái xe cần tránh uống bia trong khoảng 5-6 tiếng trước khi lái xe, dù chỉ là một cốc”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

TS Minh cho biết thêm, với trường hợp sau khi uống một cốc bia (khoảng 350ml) khoảng 15 phút là kết quả đọc nồng độ cồn đã có thể phát hiện ra cồn trong hơi thở. Một cốc bia có thể làm tăng nồng độ cồn trong máu (BAC) lên 0,02%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *