SKĐS – Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai liên tục quá tải, đặc biệt, có đêm các bác sĩ phải cấp cứu cho 6 người trẻ tuổi bị đột quỵ, đã có trường hợp đến viện muộn phải chịu di chứng nặng nề…
Tiền sử tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc, bệnh nhân đột ngột rơi vào đột quỵ
PGS.TS. Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vào đêm 21/3/2024, Trung tâm đã cấp cứu 6 ca đột quỵ. Người nhiều tuổi nhất là 45, trẻ tuổi nhất mới chỉ 32. 4/6 ca đột quỵ được tái thông hiệu quả, người bệnh có cơ hội phục hồi gần như hoàn toàn.
Nữ bệnh nhân 32 tuổi (quê Hưng Yên) được đưa vào viện với triệu chứng liệt nửa người trái hoàn toàn và nói ngọng giờ thứ nhất. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong phải giờ thứ nhất.
“Chỉ trong 35 phút kể từ khi nhập viện (tức ngay giờ thứ 2 của bệnh), bệnh nhân được dùng thuốc tiêu huyết khối. Tiếp đó, bệnh nhân được can thiệp tái thông động mạch cảnh não. Nhờ đồng thời áp dụng 2 phương pháp điều trị, tiêu huyết khối và lấy huyết khối, bệnh nhân đã hết nói khó, còn yếu nhẹ nửa người phải, chỉ số cải thiện tốt” – PGS.TS Mai Duy Tôn thông tin.
Cùng thời điểm đó, Trung tâm tiếp nhận nam thanh niên 32 tuổi nhập viện trong tình trạng liệt nửa người và không nói được. Nam thanh niên đang chơi cầu lông với bạn thì đột ngột liệt nửa người và nói khó, được bạn đưa thẳng vào Trung tâm Đột quỵ.
Đến viện trong “giờ vàng” (gần 1h sau khi có triệu chứng), nam thanh niên được chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ 1 do tắc động mạch não giữa phải đoạn M1 và được chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối.
Tua trực điện quang đã sẵn sàng để rút ngắn tối đa thời gian tái thông mạch máu cho ca bệnh này. Sau 30 phút can thiệp, động mạch não giữa phải đã được tái thông hoàn toàn (mức độ tái thông TICI 3).
Nhờ đến viện sớm và được điều trị tái tưới máu tích cực bằng cả 2 phương pháp tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết, sau 30 phút can thiệp, động mạch não giữa phải đã được tái thông hoàn toàn. Bệnh nhân đã nhanh chóng hồi phục gần như hoàn toàn, có thể nói chuyện và đi lại như bình thường.
Trường hợp khác là nam bệnh nhân 36 tuổi (quê ở Bắc Ninh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Phú Quốc), được chuyển từ Phú Quốc tới Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng liệt nửa người, nói khó.
Không may mắn như ca bệnh trước, sau khi thăm khám, chụp MRI, DSA làm chẩn đoán, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong – não giữa trái giờ thứ 12.
“Đây là bệnh lý hiếm gặp của mạch máu não thường xảy ra ở tuổi 30-50 ở nhóm bệnh nhân Đông Á. Bệnh tiến triển mạn tính gây hẹp dần, tắc động mạch cảnh trong sọ và các mạch máu nhỏ tăng sinh để bù trừ. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị nội khoa, tuy nhiên sự phục hồi rất chậm”- PGS.TS Mai Duy Tôn thông tin.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, đây là bệnh lý hiếm gặp của mạch máu não, thường xuất hiện ở người từ 30-50 tuổi. Tuy đã được can thiệp, song bệnh tiến triển chậm. Nếu bệnh nhân đi tầm soát đột quỵ sớm sẽ không dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Nặng nhất là ca cấp cứu trong đêm cho nữ bệnh nhân 40 tuổi chuyển từ tuyến dưới lên. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc. Trong ca làm việc ban đêm, bệnh nhân đột ngột đau đầu và hôn mê. Khi đưa vào bệnh viện tuyến dưới, huyết áp của bệnh nhân lên tới 240/200 mmHg.
Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Nữ bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu đồi thị phải – cuống não với thể tích máu tụ 60ml và có tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong.
Cách nào để phòng ngừa đột quỵ?
Theo các chuyên gia, đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao. PGS.TS Mai Duy Tôn thông tin, mỗi ngày Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận đến 50 bệnh nhân đột quỵ, trong đó chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong “thời gian vàng”.
Con số này đã tăng lên so với trước đó, nhưng so với nhiều trung tâm trên thế giới, tỉ lệ này còn thấp. Có nhiều trung tâm, bệnh nhân đến trong “thời gian vàng” đạt 50-75%.
Hiện nay, nhiều người vẫn tin các kinh nghiệm truyền miệng, sơ cứu sai như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai, rồi cho người bệnh dùng các loại thuốc an cung… bỏ qua “thời gian vàng” đến viện.
Với những yếu tố huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, béo phì, thói quen hút thuốc… đột quỵ cũng có nguy cơ xảy ra ở người trẻ.
Vì thế PGS.TS Mai Duy Tôn đưa ra 3 khuyến cáo tầm soát, phòng ngừa đột quỵ ở cả người trẻ và các nhóm đối tượng khác như sau:
Mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.
Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường….
Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…. ) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.