Ho là triệu chứng thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Thời gian này, cùng với thời điểm gia tăng bệnh lây qua đường hô hấp, nhiều người bị ho dai dẳng kéo dài hơn, dễ tái phát và tăng mức độ.
Từ trẻ nhỏ đến người lớn đều bị ho kéo dài
Từ đợt cảm cúm nặng đầu tháng 12-2023, chị Đ.T. (ngụ quận 8, TP.HCM) vẫn còn ho dai dẳng kéo dài đến nay nhưng với mức độ nhẹ hơn. Cơn ho dễ bị “kích hoạt” và trở nặng khi chị T. đến văn phòng làm việc có máy lạnh hay nằm ngủ.
“Sau hết cảm cúm, tôi ho như kiểu có bụi ở trong cổ họng, sau đó chuyển sang ho có đờm”, chị T. chia sẻ thêm.
Chị T. nhớ lại thời điểm mang bầu cũng ho rất nhiều nhưng không uống thuốc. Kết quả xét nghiệm máu thông báo bình thường, không bị viêm nhiễm gì, và cơn ho cũng tự hết sau một thời gian.
Chị T. cho biết thêm, tại cơ quan mình cũng có nhiều đồng nghiệp bị ho là triệu chứng ban đầu của nhiều loại bệnh như viêm phế quản. Có người phải nhập viện truyền kháng sinh vì uống thuốc kháng sinh theo kê đơn bác sĩ trong thời gian dài nhưng ho không dứt.
Bên cạnh người lớn, trẻ em là nhóm dễ mắc các bệnh đường hô hấp trong thời điểm hiện nay, với một trong những triệu chứng ban đầu cũng là ho. Nhiều trẻ ho dai dẳng kéo dài, kèm sốt cao, sổ mũi, thở khó… phải nhập viện.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng mới phát cảnh báo vào giai đoạn cuối năm là thời điểm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có khả năng tăng cao, trong đó bao gồm cả COVID-19, cúm gia cầm H5N1.
Bên cạnh đó, nhu cầu giao thương, du lịch vào cuối năm cũng tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan.
Nhiễm vi rút này vừa xong đến nhiễm vi rút khác, hoặc nhiễm cùng lúc nhiều vi rút
PGS Trần Văn Ngọc – chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM – cho hay khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang đông là điều kiện thuận lợi của các vi rút, vi khuẩn gây ra các bệnh đường hô hấp phát triển. Đặc biệt trong năm nay ghi nhận nhiều người mắc bệnh cúm, vi khuẩn không điển hình, kể cả COVID-19.
“Do chúng ta không xét nghiệm chẩn đoán tìm tác nhân cho tất cả bệnh nhân nhưng đa phần tác nhân là do vi rút cúm, vi rút cảm, vi khuẩn không điển hình và cả vi rút SARS-CoV-2.
Có một số trường hợp bệnh nhân khám ở phòng khám hay bệnh viện được cho test cúm thì dương tính, đến test vi rút cảm, vi rút SARS-CoV-2 cũng dương tính. Điều này khác biệt so với những năm trước là người bệnh chỉ mắc một vi rút duy nhất, điển hình”, PGS Ngọc chia sẻ thêm.
Cũng theo PGS Ngọc, với nhiều tác nhân gây bệnh trong một thời điểm nên người bệnh có thể nhiễm một loại vi rút nào đó rồi chuyển sang nhiễm vi rút khác hoặc đồng mắc cùng lúc hai loại vi rút, thậm chí nhiều hơn. Chính điều này đã làm người bệnh có triệu chứng kéo dài, trong đó có ho.
Với triệu chứng bệnh kéo dài, không rõ chính xác tác nhân nào gây bệnh, ông Ngọc khuyến cáo những trường hợp nhẹ (sổ mũi, nhức đầu, đau nhức cơ thể…) thì dùng thuốc cảm thông thường.
Nếu có triệu chứng sốt cao 38,5 – 39 độ C, ho khạc đờm mủ xanh/vàng, hoặc với những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, cao tuổi… thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị đúng, kịp thời.
Ở trẻ nhỏ, theo bác sĩ CKI Trần Nguyên Khôi – phó khoa nội 3 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), với thời tiết thất thường như hiện nay khiến các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ em dễ dàng tăng cao. Biểu hiện ban đầu thường gặp nhất là trẻ có triệu chứng ho. Tuy nhiên đây là phản xạ có lợi vì làm sạch đường thở, làm long đàm nhầy ra khỏi niêm mạc của trẻ.
Hiện thuốc để điều trị ho chia thành 3 loại: chống ho, hỗ trợ ho và thuốc ho thảo dược. Dựa vào đặc tính của từng loại thuốc và tình trạng bệnh của trẻ, bác sĩ sẽ có phương hướng chỉ định.
Để tránh các hệ lụy không mong muốn, bác sĩ Khôi khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ nếu chưa có sự cho phép của y bác sĩ. Phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.