Món cua đồng giải nhiệt mùa hè, ngon bổ dưỡng, nhưng cần chú ý gì?

Nắng nóng, nhiều bà nội trợ thường chọn canh cua đồng nấu cùng nhiều loại rau khác nhau để giải nhiệt và cũng khiến mâm cơm ngon miệng hơn.

Món cua đồng được nhiều người lựa chọn trong mùa nắng nóng, đây cũng là món ăn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng - Ảnh: NGỌC KHẢI
Món cua đồng được nhiều người lựa chọn trong mùa nắng nóng, đây cũng là món ăn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng – Ảnh: NGỌC KHẢI

Cua đồng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng

Canh cua và riêu cua không chỉ là những món ăn dân dã của bà con nông dân mà người dân thành phố cũng rất ưa chuộng.

Để đối phó với thời tiết nắng nóng, nhiều bà nội trợ thường mách nhau nên chọn món canh cua để giải nhiệt và khiến bữa cơm trở nên ngon miệng hơn.

Nhiều video hướng dẫn cách nấu canh cua giải nhiệt trong mùa hè của các bà nội trợ thu hút được hàng trăm, hàng nghìn lượt xem và chia sẻ.

Chủ yếu canh cua được nấu với các loại rau như: mồng tơi, rau đay, mướp, bầu, bí, nấu cháo cho trẻ em…

Tuy nhiên, không ít video giới thiệu món gỏi cua sống được chế biến bằng cách để cua sống bò trong tô sau đó đổ nước mắm, gia vị và trực tiếp ăn sống.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, cua đồng là loại thực phẩm rất quen thuộc của nhân dân ta, nhất là bà con nông thôn.

Cua có quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa hè, mùa thu, hằng năm chỉ sau mấy cơn mưa đầu hè lại thấy cua bò ra trên mặt ruộng, có nơi nhiều cua chỉ bắt một lúc được mấy giỏ.

Theo Đông y, điền giải (cua đồng) vị mặn, mùi tanh, tính lạnh, có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương.

Chúng sinh sống chủ yếu ở ruộng lúa, cũng có ở hồ, ao… nhưng ít hơn. Từ cua đồng chúng ta có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, phổ biến nhất là món canh cua nấu với nhiều loại rau khác nhau.

Sau canh cua, riêu cua cũng là món ăn rất được phổ biến. Cua nấu riêu cũng được giã nát lọc lấy nước như nấu canh, nhưng không nấu với rau mà dùng một loại chất chua như khế, me, sấu… tùy theo mùa và ý thích của từng gia đình.

Món riêu cua chan cơm hoặc ăn với bún, với bánh đúc thái mỏng đều ngon miệng, hợp với khẩu vị của nhiều người.

Về giá trị dinh dưỡng, trong 100 gam cua đồng bỏ mai và yếm có 74,4 gam nước, 12,3 gam protid, 3,3 gam lipid, 2 gam glucid, cung cấp được 89 gam calo.

Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao: trong 100 gam cua có tới 5.040mg canxi, 430mg photpho, 4,7mg sắt, các loại vitamin B1, B2, PP…

Chất lượng protid trong cua cũng thuộc loại tốt, qua phân tích người ta thấy có 8/10 axit amin cần thiết, gồm lysine, methionie, valine…

Chính vì vậy, cua đồng là nguồn chất đạm quan trọng trong bữa ăn hằng ngày của bà con nông thôn, một nguồn thực phẩm dễ kiếm, sẵn có ngay ở đồng ruộng.

Ăn cua đồng sống dễ nhiễm sán, ngộ độc

Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay ngoài giá trị dinh dưỡng, cua đồng còn là một vị thuốc được nhân dân ta dùng từ lâu đời với tên điền giải.

Sách “Lĩnh Nam bản thảo” của Hải Thượng Lãn Ông ghi: “Điền giải ngọt lạnh, ít độc, hay sinh phong, có tác dụng nối gân, tiết xương, chữa phong nhiệt, trừ mụn độc…”.

Do có tác dụng bồi bổ sức lực, tán huyết, bổ gân xương, nước cua đồng được nhân dân ta coi là một loại thuốc tăng lực, được các đô vật trước đây vẫn dùng trước khi bước vào trận đấu (uống một bát nước cua đặc) để tăng cường sức lực, vật khỏe và dai sức hơn.

Những người đấu võ bị đòn đau, bị đánh, bị ngã có ứ huyết trước kia cũng thường uống vài bát nước cua sống để trị chấn thương, chỗ đau chóng lành.

Đúng là trong nước cua có nhiều chất bổ dưỡng, nhưng nước cua đồng sống và gỏi cua đều là những món ăn sống có thể chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm gây ngộ độc thức ăn, đặc biệt là bệnh sán lá phổi. Việc ăn gỏi cua và uống nước cua sống có thể làm lây lan loài sán nguy hiểm này.

Nguyên nhân sán lá phổi (Paragonimus ringeri) tuy ký sinh trong phổi và đẻ trứng ở những phế quản nhưng vẫn là một bệnh lây theo đường tiêu hóa và có liên quan mật thiết với tập quán ăn cua, tôm chưa nấu chín hoặc ăn sống (gỏi cua, uống nước cua sống…).

Trứng sán từ phổi bệnh nhân được bài xuất ra ngoài theo đờm, xuống nước và hình thành ấu trùng ở trong. Ấu trùng này ra khỏi vỏ trứng tìm đến một số loài ốc để ký sinh, sau đó vỏ ốc tìm các loài cua và tôm nước ngọt ký sinh dưới dạng nang trùng sán nói trên do đun nấu chưa chín sẽ lây bệnh.

Như vậy, ăn gỏi cua và uống nước cua sống là đường lây truyền bệnh sán lá phổi rất thuận lợi nếu trong món cua chúng ta ăn gỏi hoặc giã lấy nước có một số con mang nang trùng sán này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *