Ngày 13-4, phát biểu tại Hội nghị Nhi khoa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần 8, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam – PGS.TS Trần Minh Điển cho hay dấu mốc quan trọng trong hội nghị là thành lập được Chi hội Nhi khoa Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Điển, việc ra mắt Chi hội Nhi khoa khu vực Tây Nam Bộ là cực kỳ quan trọng, vì 13 tỉnh thành trong khu vực này có khoảng 18 triệu dân, trong đó dân số nhi là khoảng 4,5 triệu. Trong khi đó, mạng lưới y bác sĩ, bệnh viện về nhi khoa còn quá ít.
Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, 6 bệnh viện sản – nhi và một số khoa nhi ở bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện.
Về lực lượng bác sĩ chuyên khoa nhi còn rất hạn chế, theo thống kê toàn khu vực có khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa, con số còn rất hạn chế so với nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, phát triển các kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu về nhi cho trẻ em khu vực miền Tây Nam Bộ.
“Đồng thời, hiện nay mô hình bệnh tật ở trẻ em rất đa dạng, có sự thay đổi ngày càng phức tạp. Bệnh không lây nhiễm vẫn tồn tại và đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, các bệnh không lây nhiễm ở trẻ đang có xu hướng gia tăng (tim mạch, đái tháo đường, ung thư, phổi…) tương tự mô hình ở các nước phát triển.
Đây là thách thức lớn cho đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa nhi trong khu vực – nơi vừa thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, vừa thiếu nhân lực chuyên khoa sâu”, ông Điển nói.
Chi hội Nhi khoa Đồng bằng sông Cửu Long vừa ra mắt lần này bầu ban chấp hành gồm 25 thành viên là các y, bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện, trường có chuyên khoa nhi.
Chi hội sẽ có nhiệm vụ kết nối các chuyên gia trong nước, quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ hội viên trong việc cập nhật nâng cao kiến thức chuyên ngành về nhi khoa; quản lý mô hình bệnh nhi trong khu vực…
Tại hội nghị nhi khoa lần này, nhiều báo cáo thực tế điều trị tại các bệnh viện cho thấy mô hình bệnh tật của trẻ em khu vực điển hình là nhóm các bệnh lây nhiễm theo mùa, như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh đường tiêu hóa, bệnh hô hấp…
Ngoài ra một số đề tài còn tập trung vào đánh giá thực tế điều trị, phẫu thuật một số bệnh lý khó ở trẻ em như tim bẩm sinh, lọc máu liên tục điều trị nhiễm trùng huyết, các kỹ thuật hồi sức, điều trị chuyên sâu cho trẻ sơ sinh non tháng… tại các bệnh viện chuyên khoa nhi trong khu vực.
Sau lễ ra mắt Chi hội Nhi khoa Đồng bằng sông Cửu Long, ban chấp hành hội cho biết sắp tới sẽ tăng cường liên kết hợp tác với các chi hội, các bệnh viện chuyên khoa nhi và các chuyên gia nhi đầu ngành trong cả nước và quốc tế để nâng cao khả năng chuyên môn trong điều trị bệnh lý cho trẻ em khu vực miền Tây Nam Bộ.