Câu chuyện bạn đọc N.H. sau 4 giờ chờ lấy số, xếp sổ… nhận được 2 loại thuốc trị giá chưa đến 15.000 đồng đang là đề tài bàn tán của nhiều bạn đọc. Không chỉ tranh luận, một số bạn đọc còn góp ý để người mua được hưởng lợi khi mua bảo hiểm y tế.
Nhằm rộng đường dư luận, chuyên mục Bạn đọc làm báo giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu của người trong cuộc.
“Có thuốc là đỡ rồi, khám xong bắt ra ngoài mua thuốc”
Đúng là đoạn trường ai có qua cầu mới hiểu! Tôi có tuổi và đã mua dùng bảo hiểm y tế trên 5 năm rồi. Mỗi lần đi tái khám là cả một sự chán ngán.
Khám trị bệnh bằng bảo hiểm y tế là như thế. Phải biết kiên nhẫn chờ đợi, đôi khi là mất cả buổi. Bệnh viện thì ưu tiên khám dịch vụ cho những ai nóng ruột muốn khám nhanh. Thực trạng là vậy.
Nên Bộ Y tế cần thay đổi lại cách tổ chức thực hiện cho hợp lý hơn, và phối hợp với bên bảo hiểm xã hội để có thể mua thuốc tốt hơn, điều trị hiệu quả hơn cho nhân dân.
Bạn đọc Việt Hùng
Bạn nói đúng 100% với trường hợp của tôi và nhiều người như tôi. Xếp hàng khoảng 2 giờ – khám và chỉ định đi khoa khác 1 phút – đến khoa khác (siêu âm, lấy máu…) chờ 1 giờ – lấy máu 2 phút, siêu âm 1 phút – chờ 2 giờ lấy kết quả máu, tới phòng khám… hết giờ.
Chiều quay lại chờ 2 giờ, vô bác sĩ khám coi 1 phút, y tá in toa thuốc 2 phút, đi lấy thuốc… Một ngày đi khám bệnh, bác sĩ khám – siêu âm – xem – phán = hết 3 phút.
Bạn đọc Vũ Tiến Mạnh
Có thuốc là còn đỡ rồi. Tôi chở con tôi đi khám bảo hiểm y tế bệnh viện tỉnh. Ngồi chờ cũng hơn 3 tiếng đồng hồ, rồi cũng tới lượt vào khám cho bé. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản cấp. Rồi cho toa thuốc kêu ra ngoài mua tốn hết hơn 200.000 đồng.
Mình cũng vừa mua gia hạn bảo hiểm y tế trong trường học cho bé hết 684.000 đồng.
Đã mua bảo hiểm y tế tốn tiền, mà lúc bị bệnh lại bắt người ta ra ngoài mua thuốc.
Bạn đọc Tinh
Làm gì để người mua bảo hiểm y tế thấy được lợi ích, chứ không là phiền phức?
Tôi bệnh tiểu đường, là bệnh lý mãn tính phải uống thuốc suốt đời. Khi phát bệnh, tôi đến phòng mạch bác sĩ nội tiết quen để khám và điều trị. Sau vài đợt điều trị ngắn hạn thử thuốc thì bác sĩ kê 1 loại thuốc cho tôi uống lâu dài, rất phù hợp.
Uống hơn năm tôi quyết định đi khám bảo hiểm y tế cho nhẹ gánh tài chính. Sau khi nghe tôi kể bệnh tình và việc điều trị bên ngoài, bác sĩ kê cho tôi loại thuốc tiểu đường khác với loại tôi đang dùng. Uống mới 3 ngày tôi đã bị tụt đường huyết (3,2mmoi/L, trước đó luôn ở mức ổn định 5,5). Tôi đi khám lại thì bác sĩ vẫn kê loại thuốc đó, nhưng liều lượng thấp hơn từ 850mg còn 500mg.
Tuy nhiên sau 1 tuần dùng thuốc tôi bị tụt đường huyết đến 2 lần và khám lại lần nữa. Tôi mang theo loại thuốc tôi uống phù hợp trước đó và đề nghị kê loại này (không cần đúng tên biệt dược, chỉ cần đúng nhóm thuốc gốc) nhưng bác sĩ bảo không có và khuyên tôi nên… mua tiếp bên ngoài để uống.
Vậy là tôi phải mua thuốc bên ngoài điều trị hơn năm nay. Xem lại có bảo hiểm y tế cũng như không.
Theo tôi, bảo hiểm y tế nên linh hoạt bằng cách cho bệnh nhân tự mua thuốc phù hợp bên ngoài rồi chi trả theo định mức.
Ví dụ loại thuốc bảo hiểm y tế trị tiểu đường trong danh mục có giá 5.000 đồng/viên, thuốc mua bên ngoài có giá 20.000 đồng/viên thì bảo hiểm cũng chỉ trả 5.000 đồng, phần còn lại người bệnh phải trả. Tôi nghĩ như vậy người tham gia bảo hiểm y tế cũng thấy được lợi ích, hiệu quả, thấy công bằng và hài lòng hơn.
Bạn đọc Thanh Vân
Tôi nghĩ điều mà tác giả bài viết cần nói ở đây là nên chăng bảo hiểm đừng “cào bằng” giữa tất cả mọi người tham gia.
Ví dụ, hằng tháng tôi đóng theo tỉ lệ % quy định của mức lương cao, hay cả năm tôi không bệnh tật (đây là điều ai cũng mong muốn) chưa đi khám bệnh hay xin giấy nghỉ ốm hưởng lương, thì có các chế độ ưu tiên cho đối tượng này.
Cách làm đơn giản khi quét mã vạch vào thì hệ thống tự nhận dạng phân loại để được ưu đãi như khám nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi, các khoản chi trả cũng ít hơn chẳng hạn, hay định kỳ 6 tháng một lần được ưu đãi khám tổng quát miễn phí…
Nên chăng bảo hiểm y tế xây dựng lại cho phù hợp.