Dự báo trước tương lai có thể dễ dàng mắc sai lầm. Nhưng, theo quan điểm của tôi, khả năng lớn nguy cơ dịch bệnh tiếp theo mà chúng ta phải đối mặt sẽ là cúm và chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng.
Đó là chia sẻ của giáo sư Jonathan Van Tam – người từng được nữ hoàng Elizabeth II (Anh) phong tước “hiệp sĩ chống dịch” – tại buổi trao đổi với các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chiều 6-12.
“Vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất”
Trước sự lắng nghe của khoảng 300 khách, gồm các chuyên gia, bác sĩ, nhà quản lý và nghiên cứu dịch tễ trong nước, giáo sư Jonathan Van Tam đã có bài chia sẻ kéo dài hơn một giờ, qua đó bật mí nhiều câu chuyện “bây giờ mới kể” về quá trình chống dịch COVID-19 tại Anh.
Đặc biệt, trong bối cảnh lúc bấy giờ ông là một giáo sư gốc Việt sát cánh cùng với Thủ tướng Anh trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong 100 năm qua.
Nhớ về thời điểm “đáng sợ” của ngành y tế vào đầu năm 2020, ông thừa nhận lúc bấy giờ “có nhiều câu hỏi hơn là đáp án, tất cả những gì chúng tôi có thể nói về con đường phía trước là mờ mịt và thiệt hại gần như là chắc chắn”.
Và giải pháp lúc ấy chỉ còn cách sử dụng các biện pháp can thiệp cũ từng được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước, đó là kiểm dịch, cách ly người bệnh, sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân, đóng cửa những nơi có nguy cơ cao.
Giáo sư Jonathan Van Tam biết rằng giải pháp can thiệp xã hội chỉ có khả năng làm chậm sự lây lan của virus và đòi hỏi cần phải tìm cách phá vỡ hoàn toàn mối liên hệ giữa nhiễm trùng và bệnh nặng. “Vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất” và đó là lý do mà lực lượng đặc nhiệm vắc xin của Anh ra đời vào tháng 4-2020.
Chỉ sau sáu tháng những liều vắc xin đầu tiên ra đời và đó tất nhiên là một phép màu bởi giúp bảo vệ được nhóm nguy cơ; phá vỡ mối liên hệ giữa nhiễm trùng và nguy cơ tử vong; đặc biệt là tiền đề giúp nước Anh phá bỏ các biện pháp hạn chế.
Nhưng điều đó không phải là sự may mắn, theo ông từ trước đó nhiều năm Chính phủ Anh đã “dự phòng” bằng việc tài trợ rất nhiều cho nhóm nghiên cứu vắc xin Oxford nhằm phát triển vắc xin MERS nguyên mẫu. Điều này đã giúp Oxford có một khởi đầu thuận lợi và cho phép họ chuyển từ MERS sang SARS-CoV-2, kết quả mang đến vắc xin Oxford AstraZeneca hỗ trợ cho nhiều quốc gia có nguồn lực hạn chế hơn.
Dự báo đại dịch, được không?
Từ bài học của đại dịch COVID-19, nhiều chuyên gia y tế trong nước nêu ý kiến việc làm sao dự báo được các đại dịch tiếp theo? Giáo sư Jonathan Van Tam chỉ ra rằng trong số 5 đại dịch hô hấp suốt 105 năm qua, có 4 đại dịch do một loại virus cúm mới.
Theo ông, việc cố gắng dự báo trước các đại dịch trong tương lai có thể sẽ rất nguy hiểm, bởi dễ dàng mắc sai lầm. “Tuy vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi, khả năng lớn nguy cơ đại dịch tiếp theo mà thế giới phải đối mặt một lần nữa sẽ là cúm và tất cả phải chuẩn bị sẵn sàng” – giáo sư Jonathan Van Tam.
Và một bài học cho tương lai được vị giáo sư này gợi mở rằng khi có khủng hoảng dịch bệnh, luôn cần phải thực hiện các thử nghiệm lâm sàng chính xác, chống lại tin đồn và có được dữ liệu thích hợp thông qua việc tiến hành các thử nghiệm ngẫu nhiên.
Ông dẫn chứng một loại thuốc chống lại nhiều loại ký sinh trùng từng được một nhóm thiểu số ca tụng như một phương thuốc thần kỳ chữa được bệnh COVID-19. “Thử nghiệm cho thấy nó không có tác dụng. Đây là khi khoa học chân chính phát huy sức mạnh của mình” – giáo sư Jonathan Van Tam nói.
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển – Phó chủ tịch thường trực Hội Y tế dự phòng Việt Nam – bày tỏ kỳ vọng từ kinh nghiệm của nước Anh và từ một chuyên gia hàng đầu như giáo sư Jonathan Van Tam sẽ là tiền đề giúp các nhà khoa học trong nước trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch bệnh; ứng phó với các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là dịch bệnh mới nổi.
Theo ông, đây đang là vấn đề nóng của toàn thế giới. “Những bài học của phòng, chống dịch từ Anh chắc chắn sẽ có ý nghĩa thiết thực với Việt Nam, đặc biệt giúp những người làm công tác tiêm chủng vắc xin của chúng tôi làm tốt hơn nữa trong công việc của mình” – giáo sư Nguyễn Trần Hiếu khẳng định.
Cây cầu khoa học kết nối Việt Nam với thế giới
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) – khẳng định tuyên ngôn của viện khi thành lập là hoạt động trên cơ sở nghiên cứu khoa học và kiến tạo một môi trường khoa học xuất sắc; công bằng và minh bạch.
Việc này thông qua các hoạt động nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và đào tạo. Bằng việc xây dựng mạng lưới khoa học quốc tế, TAMRI kỳ vọng trở thành một trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á với những nghiên cứu tầm cỡ quốc tế và có giá trị thiết thực, ứng dụng hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhằm cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
“Và sự có mặt của giáo sư Jonathan Van Tam tại TAMRI đã cổ vũ cho chúng tôi rất nhiều trong hành trình đi tìm kiếm những cây cầu khoa học kết nối Việt Nam với thế giới” – giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói.