PHẦN 3: CÁC LOẠI GÃY XƯƠNG
8. PHÂN LOẠI GÃY XƯƠNG
Việc phân loại gãy xương dựa trên nhiều tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn mang một ý nghĩa riêng. Như vậy một trường hợp gãy xương cụ thể có thể được phân loại theo nhiều cách. Có thể kể ra đây một số tiêu chuẩn để phân loại:
8.1. Theo lâm sàng mức độ tổn thương mô mềm (Phân loại theo Oestem và Tscherne)
Về phương diện lâm sàng chia 2 loại gãy xương cơ bản:
– Gãy kín: gãy xương không có vết thương ngoài da hoặc có vết thương nhưng không thông vào ổ gãy (ổ máu tụ).
– Gãy hở: gãy xương có vết thương ngoài da và vết thương này thông vào ổ gãy.
Dựa vào mức độ tổn thương mô mềm mà người ta chia gãy kín và gãy hở thành nhiều loại:
A. ĐỐI VỚI GÃY XƯƠNG KÍN
Gồm 4 mức độ: (tiên lượng cần chú ý: chèn ép khoang).
1. Gãy xương kín độ 0: Gãy xương không có tổn thương mô mềm hoặc tổn thương nhẹ không đáng kể. Thường là các gãy xương gián tiếp, không di lệch hoặc ít di lệch.
2. Gãy xương kín độ I: Gãy xương có xây xát da nông hoặc do đoạn gãy gây chạm thương mô mềm. Xương gãy đơn giản hoặc mức độ trung bình.
3. Gãy xương kín độ II: Xây xát da sâu hoặc chạm thương da và cơ khu trú do chấn thương trực tiếp gây ra. Nếu có đe dọa hội chứng chèn ép khoang cũng xếp vào gãy xương độ II. Thường là các gãy xương do chấn thương trực tiếp, mức độ trung bình hoặc nặng. Thí dụ: gãy các xương cẳng chân 2 tầng do xe đụng trực tiếp gây ra.
4. Gãy xương kín độ III: Chạm thương da hoặc xây xát da lan rộng, lóc da kín hoặc giập nát cơ. Có khi có hội chứng chèn ép khoang thực sự hoặc đứt mạch máu chính. Thường là các loại gãy do chấn thương trực tiếp, mức độ trung bình hoặc nặng, xử trí tổn thương phần mềm ở loại gãy này còn khó khăn hơn cả gãy xương hở độ III.
B. ĐỐI VỚI GÃY XƯƠNG HỞ:
Gồm 4 mức độ: (tiên lượng cần chú ý: chèn ép khoang và nhiễm trùng)
1. Gãy xương hở độ I: Chỉ có da bị thủng, mà chạm thương phần mềm không đáng kể. Thường do đoạn xương gãy chọc thủng từ trong ra. Xương gãy đơn giản, ít nguy cơ bị nhiễm trùng.
2. Gãy xương hở độ II: Rách da và chạm thương da và cơ khu trú do chính chấn thương trực tiếp gây ra. Nguy cơ nhiễm trùng mức độ trung bình, gãy xương các thể.
3. Gãy xương hở độ III: Rách da, tổn thương phần mềm rộng lớn, thường có kèm theo tổn thương thần kinh hay mạch máu. Nguy cơ đe dọa nhiễm trùng nặng. Các mô bị thiếu máu cục bộ và xương nát vụn: thí dụ các xương gãy hở do tai nạn giao thông. Tất cả các gãy xương có kèm theo tổn thương động mạch chính, của chi có nguy cơ nhiễm trùng lớn đều phải xếp vào loại III.
4. Gãy xương hở độ IV: Đứt lìa chi hoặc đứt gần lìa do chấn thương. Đứt gần lìa chi theo qui ước là đứt rời tất cả các cấu trúc quan trọng nhất về giải phẫu, đặc biệt là đứt hết các mạch máu chính gây thiếu máu cục bộ hoàn toàn. Phần mềm che phủ còn lại không quá 1/4 chu vi của chi. Nếu còn các mạch máu quan trọng chính và có dấu hiệu của lưu thông máu thì chỉ thuộc gãy hở độ III thôi.
Không kể các trường hợp đứt lìa hoặc gần lìa chi, thì phân loại gãy hở theo GUSTILO có chi tiết hơn vì trong mức độ III tác giả còn chia thành 3 nhóm nhỏ Illa, Illb và IIIc. tùy theo tổn thương trên xương và mạch máu chính. (Xem thêm bài gãy xương hở).
Bảng II. Phân loại gãy xương theo Oestem và Tscherne
8.2. Theo vị trí gãy trên xương
– Gãy ở đầu xương:
+ Gãy ngoài khớp
+ Gãy phạm khớp
– Gãy ở thân xương:
+ 1/3 trên
+ 1/3 giữa
+ 1/3 dưới
Cách phân loại thường dùng nhất là phân loại theo AO (hội phẫu thuật kết hợp xương Thụy Sĩ)
8.3. Theo vùng giải phẫu
Tùy theo vùng gãy xương có những đặc điểm giải phẫu học riêng, nhiều tác giả nghiên cứu đã cho ra nhũng bảng phân loại riêng có ý nghĩa về điều trị và tiên lượng. Hầu hết các cách phân loại này đều mang tên riêng (thường là tên của người đầu tiên mô tả cách phân loại đó). Thí dụ gãy cổ xương đùi có thể phân loại theo Garden (4 loại) hoặc theo Pauwels (3 loại) .
8.4. Ngoài ra dựa vào khả năng di lệch thứ phát xương gãy
Người ta còn chia ra:
– Gãy vững: các gãy xương ít khả năng di lệch thứ phát trong quá trình điều trị.
– Gãy không vững: các gãy xương có nhiều khả năng di lệch thứ phát trong quá trình điều trị.