Có nên cấm chuyển đổi giới tính hai lần trở lên?

Dự thảo mới của Luật Chuyển đổi giới tính được đưa ra gần đây để xin ý kiến người dân có quy định cấm công dân chuyển đổi giới tính hai lần trở lên trong đời.

Những bóng hồng chuyển giới biểu diễn tại một quán cà phê ở quận 10 (TP.HCM) - Ảnh: MỄ THUẬN
Những bóng hồng chuyển giới biểu diễn tại một quán cà phê ở quận 10 (TP.HCM) – Ảnh: MỄ THUẬN

Quy định này đang nhận được các ý kiến khác nhau trong xã hội cũng như trong cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT).

Trao đổi với Tuổi Trẻđại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) – trưởng ban soạn thảo – cho biết hiện nay dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được đưa ra lấy ý kiến của người dân, cộng đồng và thảo luận qua các hội thảo.

Do đó cá nhân ông và ban soạn thảo sẽ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo tốt nhất nhằm trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8 tới.

Đối với nội dung dự thảo mới nêu rõ nguyên tắc chuyển giới là công dân chỉ được chuyển đổi giới tính một lần trong đời, đồng thời quy định cấm công dân không được chuyển đổi giới tính hai lần trở lên trong đời, ông Trí cho hay đây là vấn đề quan trọng nhất.

Hiện ông đang nghiên cứu, tham khảo và tìm ra cách trình bày để có quy định nhân văn hơn, “dễ chịu” hơn nữa.

Trong khi đó, khi trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết theo chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 thì dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).

Phía cơ quan soạn thảo hiện nay cũng chưa có hồ sơ trình sang để Ủy ban Xã hội xem xét, thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo luật hiện nay, vị này nêu rõ ban soạn thảo sẽ có tiếp thu, chỉnh sửa, còn ủy ban chưa thể bình luận gì do chưa có hồ sơ, tờ trình cụ thể.

Cuộc sống thường ngày của một người chuyển giới - Ảnh: KHƯƠNG DUY
Cuộc sống thường ngày của một người chuyển giới – Ảnh: KHƯƠNG DUY

Nhân dịp này, Tuổi Trẻ đã ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, đại diện người chuyển giới về nội dung này.

* Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (đoàn Bình Dương):

Chuyển đổi giới tính bao nhiêu lần là quyền của người dân

Có nên cấm chuyển đổi giới tính hai lần trở lên?- Ảnh 3.

Nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động của đại biểu Nguyễn Anh Trí cho thấy có đầy đủ cơ sở pháp lý để xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Đồng thời, việc xây dựng dự án luật thể hiện sự dũng cảm, nhân văn, nắm bắt nhu cầu thực tiễn xã hội của đại biểu Nguyễn Anh Trí và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang lấy ý kiến có đưa ra đề xuất quy định cấm người dân thực hiện chuyển đổi giới tính hai lần trở lên trong đời.

Ở đây cần đặt vấn đề tại sao lần đầu thì cho mà lần hai trở lên lại cấm? Cần làm rõ cơ sở lý luận, quy định pháp luật hay cơ sở khoa học nào để đưa ra quy định như vậy.

Chẳng hạn nếu có hồ sơ khoa học cho thấy người thực hiện chuyển đổi giới tính lần hai trở lên trong đời sẽ gây tổn hại, suy giảm đến sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng thì có thể xem xét cấm. Hoặc như nếu việc chuyển đổi giới tính lần hai sẽ tác động hệ thần kinh của người chuyển giới, từ đó dẫn đến ảnh hưởng tới xã hội cũng có thể cấm.

Còn hiện nay, đọc qua tôi chưa thấy có cơ sở chặt chẽ để có thể đưa ra quy định cấm này. Nếu cho rằng cấm lần thứ hai trở lên nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành thì cần xem xét lại.

Bởi lẽ chúng ta phê bình “không quản được thì cấm” và nếu ở đây lại tiếp tục cách như vậy là không được.

Cơ quan quản lý cần tìm cách để quản lý vấn đề nảy sinh chứ không phải tìm cách cấm, nhất là khi dự luật cũng quy định khi thực hiện chuyển đổi giới tính xong, người dân sẽ phải khai báo, làm các hồ sơ tư pháp đầy đủ theo quy định.

Tôi cho rằng việc người dân chuyển đổi giới tính bao nhiêu lần là quyền của họ. Nếu luật đã cho họ quyền được chuyển đổi giới tính lần thứ nhất thì không nên giới hạn số lần về sau.

Thực tế tôi chưa thấy luật nào cho lần một mà lần hai lại cấm. Nhất là giới tính con người ta có thể thay đổi do nhiều yếu tố chứ không phải đến độ tuổi nào thì được thay đổi còn vĩnh viễn về sau không thay đổi.

Hơn nữa, người dân chuyển đổi giới tính một lần như dự luật quy định vẫn sẽ có quyền công dân khi thay đổi lý lịch tư pháp.

Nhưng nếu thay đổi tiếp lần nữa thì lại cấm, không cho thực hiện sẽ không phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật khác cũng như tính nhân văn của luật. Ban soạn thảo cần xem xét kỹ nội dung này để có chỉnh sửa, bổ sung quy định cho phù hợp.

* TS NGUYỄN HUY QUANG (nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế):

Tôn trọng quyền sống thật với bản dạng giới nhưng phải trong khuôn khổ

Có nên cấm chuyển đổi giới tính hai lần trở lên?- Ảnh 4.

Dự án Luật Chuyển đổi giới tính được xây dựng nhằm tôn trọng, đảm bảo quyền sống thật của người dân hay nói cách khác là người dân sẽ được sống theo đúng bản dạng giới của họ.

Sau khi chuyển đổi giới tính xong, người đó phải thay đổi tư pháp hộ tịch. Tức là chuyển đổi từ giới tính nam thành nữ hay từ nữ thành nam và thay đổi họ tên, nhận dạng…

Nếu chuyển đổi lần hai, tức là bản dạng giới chuyển từ nam thành nữ và cơ quan nhà nước đã công nhận người đó là giới tính nữ rồi nhưng sau đó lại muốn quay trở lại thành nam như vốn có.

Điều này không có luật pháp nước nào cho phép.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi giới tính này có tỉ lệ tử vong cao và người thực hiện chuyển đổi giới tính một lần có thể bị hao tổn tuổi thọ cao so với người bình thường cùng lứa tuổi. Như vậy, nếu cho phép lần hai sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Từ đó, ảnh hưởng tới sức lao động và nếu sức khỏe của người chuyển giới xấu hơn, thậm chí tử vong còn ảnh hưởng tới gia đình, xã hội. Ở đây cần khẳng định người dân được tôn trọng quyền sống thật với bản dạng giới nhưng việc đó phải trong khuôn khổ quy định pháp luật.

* Chị LÊ KIM TÙNG (nghệ danh Cô Cô Kim, 32 tuổi, trú tại Hải Phòng, người chuyển giới từ nam thành nữ):

Nên nghiên cứu để phù hợp hơn

Không riêng tôi mà rất nhiều anh chị em trong cộng đồng LGBT của Việt Nam đều rất hạnh phúc, vui mừng khi biết dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính được đăng tải để lấy ý kiến người dân.

Chúng tôi rất hy vọng trong thời gian sớm nhất dự luật sẽ được thông qua với những chính sách pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện để thay đổi giấy tờ tùy thân, họ tên như mong muốn.

Qua theo dõi dự thảo, có một điều không riêng tôi mà một số anh chị em cũng băn khoăn, đó là tại sao lại cấm công dân không được chuyển đổi giới tính hai lần trở lên trong đời.

Ở đây có thể ban soạn thảo cho rằng có người chuyển giới do nhận thức chưa chín chắn nên sau khi quyết định thực hiện chuyển giới như từ nam thành nữ rồi có thể lại chuyển về lại thành nam. Quan điểm như vậy cũng đúng song chưa hoàn toàn đầy đủ.

Tôi thử nêu khả năng người chuyển giới mà làm xong lần đầu nhưng sau đó bị hỏng, gặp tai nạn có được làm lại không? Chẳng hạn trường hợp của tôi đã chuyển giới hoàn thiện xong xuôi hơn một năm nhưng sau đó gặp phải tai nạn dẫn đến sắp tới sẽ phải làm lại một lần nữa. Chắc chắn việc làm lại sẽ đau đớn, tốn kém, hệ lụy nhiều hơn.

Nếu quy định như trên thì trường hợp của tôi có được thực hiện tiếp lần hai hay bị cấm? Hay sau khi tôi thực hiện can thiệp lần hai về thì không được công nhận là người chuyển giới nữa? Tôi đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ lại quy định này để phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo còn có quy định về người can thiệp về y khoa để chuyển giới mới được cấp giấy xác nhận chuyển giới hay công nhận là chuyển giới thì tôi nhận thấy cũng chưa thực sự phù hợp.

Bởi có những người không đủ điều kiện về kinh tế để thực hiện các can thiệp y khoa nhằm chuyển giới nhưng có suy nghĩ về định dạng giới khác như nam ăn mặc đồ nữ rồi hay trong tâm hồn chuyển giới là nữ thì vẫn là người chuyển giới.

Do vậy cũng cần xem xét lại quy định này. Chúng tôi thấy việc xây dựng luật này là rất cần thiết, thể hiện sự nhân văn, văn minh. Nên tôi mong rằng đã tạo điều kiện, công nhận rồi thì cần có các quy định mở, thuận lợi thay vì công nhận theo kiểu gượng ép với các điều kiện, quy định khắt khe với người chuyển giới.

Cuộc sống và công việc yêu thích của một người chuyển giới - Ảnh: KHƯƠNG DUY
Cuộc sống và công việc yêu thích của một người chuyển giới – Ảnh: KHƯƠNG DUY

* Chị T.N. (28 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM, đang có kế hoạch chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam):

Quy định số lần chuyển giới tránh xáo trộn trong xã hội

Đối với việc cấm chuyển đổi giới tính hai lần trở lên có thể nhiều người sẽ cho rằng tạo sự ràng buộc, bức bối, khó chịu vì về quyền con người rõ ràng họ có thể làm những điều mình thích trên cơ thể mình.

Trên thế giới cũng không ít trường hợp phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ hoặc ngược lại, sau đó nhận thấy bản thân không thực sự hạnh phúc, phù hợp với cơ thể đó, họ lại phẫu thuật chuyển về giới tính ban đầu.

Tôi cho rằng việc chuyển đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân được quy định giới hạn thì sẽ tránh trường hợp chuyển đổi nhiều lần, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, dẫn đến sự xáo trộn trong xã hội.

Việc can thiệp y học mới công nhận giới tính mới, cũng là tránh rủi ro đến cộng đồng. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp giả thành người chuyển giới, ngang nhiên vào phòng vệ sinh nam hoặc nữ để quấy rối tình dục. Đối với tình trạng hôn nhân, tôi mong muốn sẽ được công nhận đã kết hôn hoặc độc thân, như những cặp đôi vợ chồng dị tính.

* Chị A.T. (một phụ nữ đã chuyển giới):

Dự thảo luật cần quy định chính xác, rõ ràng hơn

Tôi rất mong muốn Quốc hội sớm thông qua luật dành cho người chuyển giới để họ làm thêm các hoạt động liên quan đến sử dụng hormon, phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Như trong cộng đồng chuyển giới nữ hiện nay quan tâm nhất chính là hormon, phẫu thuật chuyển giới.

Dự thảo luật cần phải quy định rõ, chi tiết từng trường hợp can thiệp y học như thế nào mới được gọi là chuyển giới. Tôi thử nêu ra vài vướng mắc cần được xác định rõ: Như chuyển từ nam sang nữ, sau đó chuyển lại từ nữ sang nam sẽ được tính là hai lần không?

Hoặc như hiện nay mỗi bệnh viện, mỗi nước có những phương pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khác nhau như: phẫu thuật ngực, tái tạo cơ quan sinh dục…

Nếu đã can thiệp bộ phận dưới bằng phương pháp này rồi, nhưng nơi khác lại có phương pháp tốt hơn để cấu trúc lại thì có bị xem là phẫu thuật chuyển giới nhiều lần không?

Rất nhiều người còn đang bị hiểu lầm, mơ hồ về điều kiện như thế nào mới chính thức gọi là số lần chuyển giới.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi để người chuyển giới khi nộp hồ sơ có thể dễ dàng chỉnh sửa giới tính của mình. Tôi nghĩ bản thân người chuyển giới cũng phải thực sự cân nhắc, được tư vấn tâm lý kỹ càng trước khi đưa ra quyết định chuyển giới.

* Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân (chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM):

Cần cân nhắc trước khi chuyển giới

Có nên cấm chuyển đổi giới tính hai lần trở lên?- Ảnh 6.

Việc chuyển đổi giới tính nhiều lần gây ra rất nhiều rắc rối sau này, thậm chí chính bản thân nhiều người trẻ chuyển giới có thể chưa lường trước được như về mặt pháp lý, giấy tờ, an ninh trật tự xã hội…

Ngoài ra, việc chuyển giới nhiều lần sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, mỗi lần chuyển giới phải dùng nhiều thuốc nội tiết tố, can thiệp phẫu thuật vào cơ thể gây hệ lụy lớn cho sức khỏe.

Chưa kể đến việc nhiều người chưa lường trước được những xáo trộn trong thói quen sinh hoạt và không thể thích nghi được trong cộng đồng.

Điều này gây cho họ rất nhiều khó khăn, cảm thấy không thoải mái sau khi chuyển đổi giới tính và có thể tiếp tục muốn chuyển nhiều lần.

Dự thảo luật chuyển giới quy định cấm người dân chuyển giới hai lần trở lên trong đời đồng nghĩa với việc giới hạn số lần chuyển giới sẽ giúp người chuyển giới phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Quyết định này tạo ra hành lang pháp lý để người chuyển giới phải có trách nhiệm, nhìn nhận lại bản thân với chính quyết định của mình.

* Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa:

Chuyển giới một lần có thể hao tổn 15 năm tuổi thọ

Có nên cấm chuyển đổi giới tính hai lần trở lên?- Ảnh 7.

Tôi đồng ý với đề xuất về quy định người dân chỉ được chuyển đổi giới tính một lần trong đời và cấm người dân thực hiện chuyển đổi giới tính hai lần trở lên trong đời.

Bởi thực tế qua nghiên cứu của các chuyên gia y tế đã chỉ rõ một người quyết định phẫu thuật chuyển giới sẽ đối diện với rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể hao tổn đi 15 năm tuổi thọ.

Như vậy, cho dù có ủng hộ họ có nhu cầu chuyển giới lần thứ hai nhưng đứng về mặt y học thì chuyển đổi giới tính quá nhiều hay chuyển đi chuyển lại sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người chuyển giới. Thậm chí còn có thể gây nguy hại tới tính mạng.

Thêm vào đó, hiện nay thường là chuyển giới từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam. Nếu chuyển tiếp thì người nam sang nữ lại quay về thành nam, như vậy thì không còn gọi là chuyển giới. Chưa kể lại dẫn tới khó khăn, phức tạp liên quan quản lý xã hội, thủ tục hành chính.

480.000

là số người chuyển giới tại Việt Nam theo ước tính của Bộ Y tế Việt Nam công bố vào cuối tháng 6-2022. Chuyển giới là người có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh của người đó. Một người chuyển giới có thể được xác định là nam, nữ, người chuyển giới nam, người chuyển giới nữ, là một người đa dạng về giới hoặc phi nhị nguyên giới hoặc theo các thuật ngữ khác.

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành nghị quyết thành lập ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, ngày 8-9-2023.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) – người đề xuất dự án Luật Chuyển đổi giới tính – được giao trách nhiệm làm trưởng ban soạn thảo. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương được giao nhiệm vụ phó trưởng ban.

Các ủy viên có 15 người, trong đó có Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết…

* Chiều 20-9-2023, tại Nhà Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã tổ chức phiên họp thứ nhất. Phiên họp thứ hai đã được tổ chức vào ngày 16-11 cũng tại Nhà Quốc hội.

* Trong tháng 12 này, ban soạn thảo phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và Tổ chức It’s T Time dự kiến tổ chức ba tọa đàm tham vấn lấy ý kiến cộng đồng người chuyển giới ở ba miền. Miền Bắc tổ chức tại Hà Nội, miền Trung tổ chức tại Đà Nẵng và miền Nam tổ chức tại TP.HCM.

104 quốc gia và vùng lãnh thổ thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp

Chính phủ Thái Lan vừa thông qua dự luật về bình đẳng hôn nhân vào cuối tháng 11-2023 và dự luật sẽ được đưa ra quốc hội trong cuộc họp tháng 12 này.

Theo phó phát ngôn chính phủ Karom Polpornklang, dự luật đề xuất sửa đổi Bộ luật Dân sự và Thương mại sẽ thay đổi cách gọi “nam và nữ” thành “cá nhân” và cụm từ “vợ chồng” thành “bạn đời”. Điều này sẽ cho phép các cặp đồng giới có được các quyền tương tự như các cặp dị tính hiện được thừa nhận theo luật pháp Thái Lan.

Nếu dự thảo luật được quốc hội thông qua và được nhà vua Vajiralongkorn ủng hộ, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công nhận hôn nhân đồng giới.

Ram Bahadur Gurung và Surendra Pandey kết hôn ngày 1-12-2023, trở thành cặp đôi đồng giới đầu tiên kết hôn ở Nepal - Ảnh: Reuters
Ram Bahadur Gurung và Surendra Pandey kết hôn ngày 1-12-2023, trở thành cặp đôi đồng giới đầu tiên kết hôn ở Nepal – Ảnh: Reuters

Nepal cởi mở

Ở châu Á đã có Đài Loan và Nepal công nhận hôn nhân đồng giới, trong đó cặp đôi đồng giới đầu tiên ở Nepal chính thức kết hôn vào đầu tháng 12-2023. Nepal đã cho phép người dân điền giới tính thứ ba trên giấy tờ kể từ năm 2007.

Nước láng giềng Ấn Độ cũng hành động tương tự vào năm 2014 nhưng đến nay vẫn không công nhận hôn nhân đồng giới, theo báo South China Morning Post. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề trong việc áp dụng như đối tượng nào có thể áp dụng giới tính thứ ba.

Hồi đầu năm nay, tòa án Hong Kong cũng đưa ra phán quyết bước ngoặt về quyền của người chuyển giới, trong đó cho rằng chính phủ vi phạm quyền của người chuyển giới khi yêu cầu họ phải trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoàn toàn như một điều kiện tiên quyết để thay đổi thông tin giới tính của họ trên giấy tờ tùy thân.

Chính quyền ở Trung Quốc đại lục, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đưa ra yêu cầu tương tự.

Tháng 11-2022, Singapore bỏ cấm quan hệ tình dục giữa nam giới đồng thời cũng đã sửa đổi hiến pháp để ngăn chặn những thách thức pháp lý nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Điều đó có nghĩa người dân sẽ không thể đưa ra những thách thức pháp lý đối với các vấn đề như định nghĩa về hôn nhân, gia đình và các chính sách liên quan bởi những điều này sẽ chỉ do cơ quan hành pháp và lập pháp quyết định.

Nhiều nước chấp nhận giới tính thứ ba

Tính đến tháng 9-2015, phần lớn quốc gia châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á đã thừa nhận quyền thay đổi tên và giới tính sau khi phẫu thuật chuyển giới với những điều kiện khác nhau như: yêu cầu về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, triệt sản, phẫu thuật một phần.

Đặc biệt, hiện có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa việc thay đổi tên và giới tính trên giấy tờ, tức là không cần qua phẫu thuật chuyển giới.

Một số quốc gia đã cho phép người liên giới tính được lựa chọn một giới tính thứ ba (ngoài “nam” và “nữ”), như Úc (năm 2011), New Zealand (2012)… Ở Đức (2013), trẻ em liên giới tính trong giấy khai sinh được để trống phần giới tính, khi lớn lên các em có thể lựa chọn giới tính “nam”, “nữ” hoặc “X”.

Theo thống kê của trang Equaldex vào tháng 1-2023, hiện nay trên thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp thông qua các quy định pháp luật, cụ thể là: tại châu Âu có 39/50 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Á có 24/50; châu Mỹ và Mỹ Latin có 21/35; châu Phi có 10/54; châu Đại Dương và Nam cực có 10/14.

Ngoài ra có bốn quốc gia có Luật Bản dạng giới; bảy quốc gia có Luật Công nhận giới; ba quốc gia có Luật Tự xác định giới; hai quốc gia có Luật Chuyển đổi giới tính; hai quốc gia có Luật Thay đổi giới tính pháp lý; 86 quốc gia có các quy định pháp luật liên quan tới bản dạng giới, chuyển đổi giới tính.

Về quy định can thiệp y học, 72 quốc gia và vùng lãnh thổ không yêu cầu phải can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; 32 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu phải can thiệp y học. Các quốc gia chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí can thiệp y tế trong chuyển đổi giới tính là Phần Lan, Ý, Đức, Cuba, Pháp, một số vùng tự trị của Tây Ban Nha, Israel, Luxembourg, Bỉ, Iran.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *