“Sáng nay 22-3, Yên Bái có một sản phụ thai to trên nền thai phụ tiểu đường, đang điều trị insulin hàng ngày đến cấp cứu, ít ngày trước có một sản phụ 19 tuổi sốt cao sau sinh, trước đây những ca bệnh này dễ tử vong” – bác sĩ Vũ Văn Tâm chia sẻ.
PGS.TS Vũ Văn Tâm, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, và các đồng nghiệp cùng đi trên một chiếc xe 45 chỗ đã đến Trung tâm Y tế huyện Yên Bình, Yên Bái từ ngày 21-3 để hỗ trợ chuyển giao nhiều kỹ thuật khó mà Yên Bái chưa làm được.
Từ tháng 12-2023, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyển giao chuyên môn sản phụ khoa cho Yên Bái cùng bốn tỉnh miền núi. Ông Tâm cho hay so với đồng bằng và thành thị, cái khó nhất của y tế miền núi là nhân lực.
“Trong sản khoa có những tai biến chỉ chậm 10-15 phút bệnh nhân đã tử vong, không kịp chuyển bệnh nhân từ huyện về tỉnh hoặc bác sĩ từ tỉnh về huyện được, nếu có bác sĩ giỏi tại chỗ là cứu được người bệnh.
Từ tháng 12-2023 khi chúng tôi được phân công chỉ đạo tuyến cho Yên Bái, đã có 3 ca bệnh khó được bác sĩ Yên Bái gọi hội chẩn, Hải Phòng hướng dẫn qua Telehealth và cứu được bệnh nhân” – PGS Tâm chia sẻ.
Những cấp cứu sản khoa hay gặp và cũng dễ có biến chứng, dễ nguy hiểm tính mạng người bệnh mà ông Tâm nói đến là chẩn đoán và cấp cứu các trường hợp sản phụ tắc mạch, trong đó có thuyên tắc ối, cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bà mẹ, cấp cứu băng huyết sau sinh…
Bên cạnh đó là sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, thụ tinh ống nghiệm… để người dân đỡ phải đi xa khám chữa bệnh.
“Làm sao để cấp cứu cho người bệnh được nhanh nhất, nếu 1-2 phút mà triển khai được phẫu thuật, 2-3 phút tìm được vị trí chảy máu thì chúng ta thắng, còn nếu 20-30 phút bệnh nhân vẫn phải chờ thì chúng ta thua” – PGS Tâm nói với y bác sĩ Yên Bái.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hùng, trưởng khoa hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Yên Bình, Yên Bái, cho hay ở trung tâm ông vẫn chưa có bác sĩ chuyên khoa sản. “Tất cả những gì vừa được học đều rất quý với chúng tôi khi có ca cấp cứu sản khoa” – bác sĩ Hùng cho hay.
“Sẽ chuyển giao thêm nhiều kỹ thuật”
Có mặt tại chương trình chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành sản khoa cho bác sĩ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái ngày 21 và 22-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay dù đã có nhiều cố gắng nhưng tỉ lệ tử vong mẹ và các tai biến sản khoa ở phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vẫn cao gấp 7 lần so với đồng bằng.
Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi cao gấp 2 lần…
Ông Thuấn chia sẻ Bộ Y tế đang tái khởi động chương trình “bệnh viện vệ tinh”, để các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới.
Sau sản khoa và nhi khoa là hai lĩnh vực thiết thực, người dân cần nhất, tới đây các bệnh viện sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật theo đề nghị của y tế cơ sở, cơ sở cần kỹ thuật gì thì chuyển giao kỹ thuật đó.
“Không riêng gì bệnh viện tuyến trung ương hay bệnh viện ở TP.HCM, Hà Nội, lần tái khởi động này có thêm các bệnh viện ở Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ tham gia chỉ đạo tuyến. Chúng tôi mong trong 1 năm tới bệnh viện ở cơ sở thành thạo các kỹ thuật mới nhận chuyển giao, thay vì khoảng cách 2-3 năm như kế hoạch trước đây” – ông Thuấn nói.
Tháng 3 ông Tâm và đồng nghiệp đi Yên Bái, tháng 4 hoặc chậm nhất là tháng 5 họ sẽ đi Quảng Ninh. Kế đó nữa họ sẽ đến Lào Cai, Hải Dương… “Khi tôi gặp các bác sĩ thì thấy họ thiếu nhất là sự tự tin khi xử trí các ca khó. Tôi mong cùng các đồng nghiệp sẽ góp thêm sự tự tin và tay nghề cho các bác sĩ ở những nơi sắp đến” – PGS Tâm mong mỏi.