Áp lực học tập và sự kiểm soát quá nghiêm ngặt của cha mẹ khiến trẻ lo âu, trầm cảm, cảm giác bị cô lập và cô đơn. Theo nghiên cứu, có tới gần 22% trẻ vị thành niên tại Việt Nam đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Đây là chia sẻ của TS Đặng Thị Việt Phương – Viện Xã hội học, thành viên Nhóm nghiên cứu sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên Việt Nam – tại chương trình phổ biến kết quả nghiên cứu sâu và tham vấn chính sách về sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam, do UNICEF tổ chức sáng 17-4 tại tòa nhà xanh Liên Hiệp Quốc, Hà Nội.
22% trẻ vị thành niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần
TS Phương chia sẻ năm 2019-2022, Viện Xã hội học (IOS – Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện điều tra quốc gia về sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam. Sau khi công bố kết quả này vào tháng 11-2022, nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích sâu dữ liệu điều tra.
Năm 2023, nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát thu thập các ý kiến của nhiều bên liên quan nhằm hướng tới nâng cao chăm sóc sức khỏe vị thành niên.
Tại chương trình, đại diện UNICEF chia sẻ khảo sát cho thấy 22% trẻ vị thành niên nói rằng họ có tổn thương về sức khỏe tâm thần, thế nhưng chỉ có 8% trong số đó sử dụng các dịch vụ hỗ trợ và chỉ có 5% cha mẹ nhận ra rằng con cần được hỗ trợ.
“Những con số ấy đặt ra vấn đề, chúng ta cần phải nhìn nhận rõ hơn về việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Chúng ta cần hành động để nâng cao sự hiểu biết của cha mẹ, gia đình, hệ thống giáo dục, y tế, cộng đồng và bản thân trẻ vị thành niên hiểu biết về sức khỏe tâm thần. Từ đó có những quan tâm, can thiệp và chăm sóc phù hợp nhất”, đại diện UNICEF nêu.
TS Phương cho hay 6 tháng qua nhóm đã có những nghiên cứu sâu về sức khỏe tâm thần vị thành niên. “Với nhóm dân số 10-24 tuổi chiếm hơn 21% dân số tại Việt Nam. Quan tâm đến sức khỏe tâm thần không chỉ là quan tâm đến trẻ em hiện tại, mà còn là nguồn nhân lực chính trong tương lai.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần chủ yếu nhóm nghiên cứu xác định qua nghiên cứu cho thấy 6 vấn đề: lo âu; trầm cảm; căng thẳng, căng thẳng sau sang chấn tâm lý; tự tử/có ý định tự tử; giảm chú ý/tăng động; tự kỷ”, TS Phương nêu.
Áp lực học tập, cha mẹ kiểm soát…
TS Phương cho hay nguyên nhân chính khiến trẻ vị thành niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần chủ yếu là do trẻ chịu nhiều áp lực học tập và sự quan tâm chưa đúng mức của cha mẹ.
Theo kết quả nghiên cứu trẻ vị thành niên từ 10 – 17 tuổi cho thấy vấn đề sức khỏe tâm thần đáng chú ý nhất là lo âu, có đến 18,6 % trẻ có vấn đề lo âu. Tiếp đến là trầm cảm với 4,3%; có khoảng 1,4% trẻ vị thành niên từng có ý định tự tử; 2,8% trẻ có vấn đề về tăng động/giảm chú ý trong 12 tháng.
“Nguyên nhân là do thiếu kiến thức sức khỏe tâm thần của cha mẹ, gia đình và thanh thiếu niên, dẫn đến ảnh hưởng chung gây nên tất cả vấn đề sức khỏe tâm thần.
Ngoài ra, việc thiếu sự quan tâm, kết nối và hiểu biết giữa cha mẹ và trẻ cũng gây ra lo âu, trầm cảm, căng thẳng/sang chấn, tăng động. Trẻ gặp áp lực học hành cũng dẫn đến trầm cảm, căng thẳng”, TS Phương nói.
Đặc biệt, TS Phương cũng nhấn mạnh đến sự kiểm soát quá nghiêm ngặt của cha mẹ dẫn khiến trẻ dễ rơi vào lo âu xã hội, trầm cảm, cảm giác bị cô lập và cô đơn, khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân.
“Vấn đề là nhiều cha mẹ tìm cách để kiểm soát con chặt chẽ, thay vì dạy con các kỹ năng để tránh rủi ro. Điều cha mẹ cần là hãy dạy con những kỹ năng xử lý vấn đề, kiểm soát cảm xúc, quản lý thời gian,… Và giáo dục con thường xuyên về những mối nguy hại, cách trải qua vấn đề gặp phải”, TS Phương khuyến cáo.
Theo TS Nguyễn Đức Vinh – viện trưởng Viện Xã hội học, thời gian tới cần có những chính sách thúc đẩy truyền thông để nâng cao hiểu biết và chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần, bao gồm cả nhận thức, kiến thức, kỹ năng, giảm kỳ thị, đội ngũ tư vấn, can thiệp,…
Đồng thời ông Vinh cũng cho rằng cần phối hợp với các bên liên quan, xác định nhóm trẻ có nguy cơ cao gặp phải vấn đề sức khỏe tâm thần để hỗ trợ trẻ từ sớm, và huy động nguồn lực từ xã hội để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ.