Không chỉ bệnh nhân tim mạch mà người khỏe mạnh khi thực hiện chế độ ăn này cũng phòng ngừa được bệnh tim mạch.
Năng lượng cân bằng giúp tim hoạt động tốt
PGS.TS Tạ Mạnh Cường, phó viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, cho biết chế độ ăn giữ vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh lý tim mạch. Ngay cả người khỏe mạnh, năng lượng của khẩu phần ăn nên ở mức độ vừa phải (cao nhất cũng chỉ 2.200 – 2.400 Kcal/ngày) và chia thành ba bữa.
Tiêu hóa là một quá trình tiêu tốn năng lượng và như vậy, khi cơ thể tiêu hóa thức ăn, quả tim cũng cần phải làm việc nhiều hơn.
Khẩu phần ăn nên có sự cân bằng giữa 3 thành phần: gluxit 55%, lipit 30 – 35%, protit 13% và chứa nhiều vitamin. Lượng nước đưa vào cơ thể không nên quá nhiều. Ăn ít muối, ít béo, giảm năng lượng là những chế độ ăn thường được áp dụng đối với bệnh nhân tim mạch.
Ăn giảm muối là yêu cầu đầu tiên đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch phải điều trị dài ngày. Trong giai đoạn bệnh ổn định chỉ cần giảm muối dùng khi chế biến thức ăn và tránh sử dụng những thức ăn nhiều muối như dưa cà muối, trứng muối, thực phẩm đóng hộp…
Các thuốc lợi tiểu bệnh nhân phải dùng hằng ngày có tác dụng ức chế tái hấp thu natri ở ống thận đã giúp cho bệnh nhân có thể áp dụng một chế độ ăn giảm muối tương đối “lỏng lẻo”.
Tuy nhiên, chế độ ăn giảm muối này không áp dụng cho bệnh nhân trong giai đoạn suy tim nặng, nhất là khi bệnh nhân bị phù nhiều. Lúc này ngoài việc không sử dụng muối khi chế biến thức ăn còn phải loại bỏ tất cả thức ăn có nhiều muối natri ra khỏi khẩu phần ăn hằng ngày.
Ăn không béo là chế độ ăn dành cho bệnh nhân suy vành và bệnh nhân mắc động mạch chi dưới. Người bệnh không nên uống sữa chưa tách bơ, ăn sô cô la, uống ca cao, ăn thịt cổ cánh, lòng, lòng đỏ trứng và các loại cá béo (cứ hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ), không dùng mỡ động vật, thịt lợn, thịt cừu, thịt gà tây, thịt ngỗng.
Nên dùng các loại dầu có nhiều axit béo không no như dầu ngô, dầu hướng dương hoặc dầu ô liu khi chế biến thức ăn. Đồng thời với chế độ ăn, người bệnh cần dùng các thuốc hạ lipit máu theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Đối với người béo phì cần thực hiện chế độ ăn giảm năng lượng. Một chế độ ăn giảm năng lượng được coi là hiệu quả khi cân nặng giảm xuống dần dần 1 – 2kg/tháng đối với những người đang làm việc.
Một số thức ăn không nên sử dụng như bánh mì, bánh quy, bột, khoai tây, đường, chân giò, gạo, bột mì, bột sắn, các sản phẩm từ sữa, bánh ngọt, thịt lợn ướp, cá béo.
Tuy nhiên, lượng protit trong khẩn phần ăn không được dưới 1g/kg cân nặng lý tưởng. Tránh dùng đồ uống có cồn (1g alcool cung cấp 7 calo).
Một khẩu phần ăn chứa 1.000 calo gồm: Buổi sáng: uống chè hoặc cà phê, 50g sữa có kem, 1 cốc nước hoa quả. Buổi trưa và tối: 100 – 125g thịt hoặc 100g cá không béo, 250g rau xanh, 10g dầu hoặc bơ, 100g hoa quả.
Thuốc lá có hại đối với hệ tim mạch. Tuy nhiên, bỏ thuốc lá lại hoàn toàn phụ thuộc vào người bệnh. Người bệnh có thể dễ bỏ thuốc lá hơn nếu dùng cao dán chứa nicotine trong một thời gian ngắn hoặc đến tư vấn bác sĩ chuyên khoa trung tâm phòng chống thuốc lá.
Lối sống quyết định sức khỏe
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dùng – Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai – nhấn mạnh theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), một chế độ ăn và lối sống lành mạnh là chìa khóa vàng để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh lý tim mạch.
Việc thay đổi lối sống không khó như bạn nghĩ, hãy thực hiện các bước đơn giản dưới đây để mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe và trái tim của bạn.
– Tiêu thụ calo ít nhất bằng số calo bạn nạp vào: Bạn phải biết mình nên ăn bao nhiêu calo để duy trì cân nặng của mình. Thông tin thành phần dinh dưỡng và số calo trên nhãn thực phẩm thường tính cho chế độ ăn 2.000 calo mỗi ngày. Cơ thể của bạn có thể cần ít hoặc nhiều calo hơn người khác tùy vào một số yếu tố bao gồm tuổi tác, giới tính và cường độ hoạt động thể chất.
– Hoạt động thể chất: Tăng về cả số lượng và cường độ hoạt động thể chất của bạn để đốt cháy nhiều calo hơn. Cố gắng dành ít nhất 150 phút cho hoạt động thể chất cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động thể chất cường độ mạnh (hoặc kết hợp cả hai) mỗi tuần.
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp duy trì cân nặng của mình, giữ được cân nặng lý tưởng và sức khỏe tim mạch tốt nhất. Nếu khó duy trì lịch tập thể dục thường xuyên, tìm cách xây dựng các hoạt động ngắn thành thói quen hằng ngày như đỗ xe xa cơ quan hơn, đi cầu thang bộ thay vì thang máy, đạp xe đi làm. Tốt nhất, hoạt động thể chất trải đều trong cả tuần.
– Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, đặc biệt cần lưu ý tăng cường sử dụng: Nhiều loại trái cây và rau quả; ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm chủ yếu làm từ ngũ cốc nguyên hạt; nguồn protein lành mạnh: chủ yếu là thực vật như các loại đậu và quả hạt; cá và hải sản; sữa ít béo hoặc không béo.
Nếu ăn thịt và gia cầm, hãy chọn thịt nạc và chưa qua chế biến, không chất bảo quản; giảm tiêu thụ đường ít nhất có thể; thực phẩm chế biến sử dụng loại ít hoặc không có muối; hạn chế tối đa hoặc tốt nhất là không uống rượu.
– Áp dụng chế độ ăn lành mạnh ở bất cứ nơi đâu: Có thể theo một chế độ ăn được chứng minh có lợi cho tim mạch bất kể thức ăn đó được chế biến ở nhà, đặt hàng tại nhà hàng hay đặt online, mua chế biến sẵn.
Cần đọc kỹ thông tin và thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm đóng gói để chọn thức ăn ít muối, đường và chất béo bão hòa. Tìm nhãn Heart-Check để nhận biết các loại thực phẩm được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ chứng nhận là tốt cho tim mạch.
– Cuộc sống không khói thuốc lá: Không hút thuốc lá – thuốc lào, thuốc lá điện tử hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá hoặc nicotine, tránh hút thuốc lá thụ động.