Không ít người bỗng dưng ngứa khắp người, càng gãi hoặc tiếp xúc với nước lại càng ngứa, sau đó nổi nhiều mảng sẩn lớn nhỏ. Nhiều người không hiểu tại sao mình lại rơi vào tình huống này để tránh?
Điển hình như chị M.X. (29 tuổi) bị ngứa khắp người, đặc biệt ở hai đùi. Đây là lần đầu tiên chị M. bị ngứa như vậy và tình trạng này khiến chị không ngủ được, phải thức gần như cả đêm gãi. Đến sáng, những vị trí da gãi nổi sần mảng lớn, kèm sưng môi.
Chị M. liệt kê hàng loạt nguyên nhân khiến cơ thể bị ngứa như: dị ứng lông mèo, ăn hải sản, thời tiết…., nhưng không biết chính xác nguyên nhân nào để phòng tránh ngứa tái phát.
Bác sĩ CKII Đoàn Văn Lợi Em – trưởng khoa lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP.HCM – cho hay ngứa là một triệu chứng thường gặp nhất, gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, khiến bệnh nhân phải đi khám chuyên khoa da liễu.
Có nhiều nguyên nhân gây ngứa, ví dụ như do các bệnh lý da liễu, bệnh lý hệ thống, bệnh lý tâm thần kinh, ngứa do thuốc… Ngoài ra, một số trường hợp ngứa kéo dài nhưng không thể tìm thấy nguyên nhân.
Theo mô tả của chị M.X., tình trạng ngứa phù hợp với bệnh lý mày đay.
Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, mày đay là một trong 10 bệnh lý thường gặp nhất.
Bác sĩ Lợi Em thông tin mày đay là tình trạng phát ban da gây ngứa do phản ứng dị ứng, với biểu hiện các sẩn phù hồng với trung tâm nhạt màu trên bề mặt da.
Các sẩn phù có kích thước đa dạng từ vài mm đến vài cm và có hình dạng không đồng nhất, giống vết côn trùng đốt. Một vài trường hợp mày đay có biểu hiện đi kèm với phù mạch như phù môi, phù mắt…
Các sẩn phù thường xuất hiện đột ngột, nhanh chóng và từng sẩn phù thường không tồn tại qua 24 giờ. Tuy nhiên, bệnh mày đay cũng có thể cần phải phân biệt với một số bệnh lý khác, nên bệnh nhân cần đi khám bác sĩ da liễu để xác định tình trạng bệnh chính xác nhất.
Đối với tình trạng mày đay cấp (mày đay xuất hiện không kéo dài trên 6 tuần), theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh mày đay cấp trong đời là khoảng 20%, vì vậy bất kỳ ai cũng có thể mắc phải bệnh lý này.
Nguyên nhân gây ra mày đay cấp thường gặp nhất là do dị ứng với thức ăn, thuốc, mỹ phẩm, hoặc xà phòng, tình trạng nhiễm trùng, côn trùng cắn, tiếp xúc với các yếu tố môi trường.
Một số trường hợp có thể khởi phát mày đay do tiếp xúc lạnh hoặc nóng, hoặc khi đè ép hoặc vận động… Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp khởi phát mày đay không tìm thấy nguyên nhân.
Nếu mày đay chỉ xuất hiện khu trú tại một vị trí, nên xem xét các yếu tố tiếp xúc tại chỗ như xà phòng, hóa chất, vật lý. Nếu mày đay là do dị ứng, sẽ có mối liên hệ giữa việc dùng thuốc hoặc thức ăn và phát ban sẽ bắt đầu sau 1-2 giờ.
Một số trường hợp dị ứng nặng có thể biến chứng thành sốc phản vệ gây nguy hiểm tính mạng.
Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ dị ứng thức ăn hoặc dị ứng thuốc, có thể thực hiện các xét nghiệm dị ứng tìm nguyên nhân.
Mày đay mạn nguyên phát là trường hợp mày đay xuất hiện kéo dài trên 6 tuần. Đây là một bệnh lý gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và đem lại gánh nặng bệnh tật đáng kể.
Mày đay mạn tính có thể liên quan tới các bệnh lý hệ thống và cần tìm kiếm nguyên nhân.
Theo khuyến cáo, các trường hợp mày đay mạn tính nên được xét nghiệm một cách thường quy bao gồm công thức máu, tốc độ máu lắng, proterin phản ứng – C, kháng thể kháng giáp và xét nghiệm IgE.
Ngoài ra, có thể xét nghiệm thêm một số tình trạng nhiễm trùng và ký sinh trùng. Tuy nhiên, một điều cần nhấn mạnh là có tới 50% trường hợp không thể tìm thấy chính xác nguyên nhân gây ra bệnh lý mày đay.
Khi có biểu hiện ngứa bất thường, bệnh nhân nên đi khám sớm để xác định, theo dõi tình trạng bệnh và điều trị chính xác. Một số trường hợp sẽ được các bác sĩ chỉ định các xét nghiệm để phục vụ việc chẩn đoán và tìm nguyên nhân gây bệnh khi cần thiết.