Bộ Y Tế – Sản Phụ Khoa

Dụng Cụ Tử Cung – Phác Đồ Bộ Y Tế

1. KHÁI NIỆM

Dụng cụ tử cung (DCTC) là phương pháp tránh thai đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả cao và dễ hồi phục. Ngày nay, các DCTC thường được cho thêm Đồng hay Progestin để gia tăng hiệu quả ngừa thai.

Có 3 loại DCTC:

– DCTC trơ: DANA, Lippes…

– DCTC chứa đồng được làm từ một thân plastic với các vòng đồng hoặc dây đồng. Có nhiều hình dạng khác nhau và hàm lượng Đồng khác nhau (TCu 380A, Multiload 375, TCu 200…). DCTC TCu-380A có tác dụng trong 10 năm

– DCTC chứa progestin (Progestin- releasing IUDs): ở Việt Nam có Mirena gồm một thân chữ T bằng polyethylen chứa 52 mg levonorgestrel, giải phóng 20 μg hoạt chất/ngày, có tác dụng tối đa 5 năm.

2. HIỆU QUẢ, ƯU – KHUYẾT ĐIỂM

2.1. Hiệu quả

Đây là phương pháp ngừa thai có hiệu quả cao và ít phụ thuộc vào người sử dụng. Tỉ lệ tránh thai cao 95 – 97%. Tỉ lệ có thai trong năm đầu tiên đối với người sử dụng DCTC có đồng là khoảng 0,5 – 0,8%. Đối với DCTC có progestin, tỉ lệ thất bại thấp hơn, khoảng 0,1% trong năm đầu.

2.2. Ưu điểm

– Các DCTC hiện đại là biện pháp ngừa thai an toàn, hiệu quả, phục hồi nhanh và ít tác dụng phụ.

– Ít ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân.

– Rẻ tiền, tiện dụng, đặt một lần có thể sử dụng ngừa thai được nhiều năm.

– Người phụ nữ có thể chủ động yêu cầu đặt DCTC để tránh thai

2.3. Khuyết điểm

– Tụt DCTC xẩy ra 2-5%, thường xảy ra trong những tháng đầu sau đặt. Nếu không phát hiện được dễ bị mang thai ngoài ý muốn.

– Thay đổi về chảy máu thường gặp: ra máu thường nhiều và kéo dài hơn, kèm đau bụng, đặc biệt là trong 3-6 tháng đầu sau đặt.

– Thường ra nhiều khí hư âm đạo do phản ứng tăng tiết dịch của niêm mạc tử cung.

– Có thể gây triệu chứng đau trằn nặng hạ vị, co thắt TC, đau lưng.

– Có thể gây các biến chứng nặng khi đặt như thủng tử cung, nhiễm trùng, vòng xuyên cơ, tổn thương các tạng lân cận…

– Có thể có thai trong hoặc ngoài tử cung khi đang mang DCTC.

– Người phụ nữ phải đến các cơ sở chuyên môn để đặt DCTC chứ không tự đặt được.

– Mỗi loại DCTC có thời hạn sử dụng, cần đến các cơ sở chuyên khoa để thay khi đến hạn.

3. CHỈ ĐỊNH

– Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, muốn áp dụng một biện pháp tránh thai tạm thời, dài hạn, hiệu quả cao và không có chống chỉ định.

– Tránh thai khẩn cấp (chỉ đối với DCTC chứa đồng).

4. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

4.1. Chống chỉ định tuyệt đối

– Có thai.

– Nhiễm khuẩn hậu sản.

– Ngay sau sẩy thai nhiễm khuẩn.

– Ra máu âm đạo chưa được chẩn đoán nguyên nhân.

– Bệnh nguyên bào nuôi ác tính hoặc có tình trạng βhCG vẫn gia tăng.

– Ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung.

– Đang bị ung thư vú (chỉ đối với DCTC giải phóng levonorgestrel). U xơ tử cung hoặc các dị dạng khác làm biến dạng buồng tử cung.

– Đang viêm tiểu khung.

– Đang viêm mủ cổ tử cung hoặc nhiễm Chlamydia, lậu cầu.

– Lao vùng chậu.

4.2. Chống chỉ định tương đối

– Trong vòng 48 giờ sau sinh (chỉ đối với DCTC giải phóng levonorgestrel).

– Trong thời gian từ 48 giờ đến 4 tuần đầu sau sinh (kể cả sinh bằng phẫu thuật).

– Đang bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (chỉ đối với DCTC giải phóng levonorgestrel) hoặc có giảm tiểu cầu trầm trọng.

– Bệnh nguyên bào nuôi lành tính có tình trạng tình trạng βhCG giảm dần.

– Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong 5 năm trở lại (chỉ với DCTC giải phóng levonorgestrel), hoặc bị ung thư buồng trứng.

– Có nguy cơ bị nhiễm khuẩn lây truyền đường tình dục cao.

– Bệnh AIDS có tình trạng lâm sàng không ổn định.

– Đang bị thuyên tắc mạch (chỉ chống chỉ định với DCTC giải phóng levonorgestrel).

– Đang hoặc đã bị thiếu máu cơ tim, chứng đau nửa đầu nặng (chỉ chống chỉ định với tiếp tục sử dụng DCTC giải phóng levonorgestrel), hoặc đang bị xơ gan mất bù có giảm chức năng gan trầm trọng, hoặc u gan (chỉ với DCTC giải phóng levonorgestrel).

– Đang sử dụng một số thuốc kháng virus thuộc nhóm ức chế sao chép ngược nucleotid (NRTIs) hoặc không nucleotid (NNRTIs) hoặc nhóm ức chế men protease Ritonavir-booster.

5. THỜI ĐIỂM ĐẶT DCTC

– Nên đặt trong 12 ngày đầu chu kỳ kinh.

– Có thể đặt ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai.

– Sau sinh: đặt trong vòng 48 giờ hoặc sau 4 tuần.

– Sau phá thai/sẩy thai: có thể đặt ngay nếu không sót nhau, không nhiễm trùng. Nếu đặt sau 12 ngày cần phải chắc chắn là không có thai.

– Ngừa thai khẩn cấp: đặt trong vòng 5 ngày sau khi giao hợp không được bảo vệ.

– DCTC có progestin: nên đặt trong vòng 7 ngày đầu của chu kỳ kinh, nếu trễ hơn cần dùng thêm biện pháp hổ trợ hoặc kiêng giao hợp trong 7 ngày kế tiếp.

6. KỸ THUẬT ĐẶT DCTC

– Tư vấn kỹ và khám cẩn thận trước đặt.

– Đảo bảo nguyên tắc vô khuẩn và đúng kỹ thuật.

6.1. Đặt DCTC loại TCu 380-A

Chuẩn bị đặt:

– Kiểm tra dụng cụ và bao đựng DCTC (thời hạn sử dụng, bao còn nguyên vẹn).

– Cho khách hàng đi tiểu.

– Khách hàng nằm trên bàn theo tư thế phụ khoa.

– Giải thích cho khách hàng các thủ thuật chuẩn bị tiến hành.

– Khám trong để xác định tư thế, thể tích tử cung và phần phụ.

– Thay găng vô khuẩn.

– Sát khuẩn bộ phận sinh dục ngoài (kẹp sát khuẩn 1).

– Trải khăn vô khuẩn.

– Tư thế thầy thuốc: ngồi trên ghế, khoảng giữa 2 đùi của khách hàng. Nếu có người phụ thì người phụ ngồi bên trái thầy thuốc (đi găng vô khuẩn ở tay cầm van hoặc dụng cụ.

Các thao tác đặt DCTC:

– Bộc lộ cổ tử cung:

+ Mở âm đạo bằng van.

+ Sát khuẩn cổ tử cung và túi cùng âm đạo bằng Betadin (kẹp sát khuẩn 2).

+Cặp cổ tử cung bằng kẹp Pozzi và kéo nhẹ xuống.

– Đo buồng tử cung:

+ Đưa thước đo vào tử cung theo hướng của nó trong tiểu khung, không chạm vào âm hộ và thành âm đạo.

+ Xác định độ sâu buồng tử cung.

– Lắp DCTC vào ống đặt:

+ Lắp DCTC trong bao.

+ Điều chỉnh nấc hãm trên ống đặt đúng hướng và đúng độ sâu buồng tử cung.

– Đưa DCTC vào trong tử cung:

+ Cầm ống đặt đúng tư thế, đúng hướng, tay kia cầm kẹp Pozzi kéo cổ tử cung về phía âm môn rồi nhẹ nhàng đưa ống đặt (có DCTC) qua cổ tử cung vào trong đến khi nấc hãm chạm vào lỗ ngoài CTC.

+ Giữ nguyên cần đẩy, kéo ống đặt xuống để giải phóng cành ngang chữ T.

+ Giữ nguyên ống đặt, rút cần đẩy ra ngoài.

+ Đẩy nhẹ ống đặt lên để đảm bảo bộ phận hãm tới sát cổ tử cung.

+ Rút ống đặt.

+ Cắt dây DCTC để lại từ 2 – 3 cm và gấp vào túi cùng sau âm đạo.

– Tháo dụng cụ:

+ Tháo kẹp Pozzi.

+ Kiểm tra chảy máu và cầm máu nếu cần.

+ Tháo van hay mỏ vịt.

– Thông báo cho khách hàng biết công việc đã xong.

6.2. Đặt DCTC loại Multiload

Chuẩn bị đặt:

– Như cách chuẩn bị đặt TCu 380-A.

Các thao tác đặt DCTC:

– Bộc lộ cổ tử cung (như với TCu 380-A).

– Đo buồng tử cung (như với TCu 380-A).

– Đưa DCTC vào trong tử cung:

+ Mở bao bì, đặt nấc hãm đúng hướng và độ sâu buồng tử cung.

+ Một tay cầm kẹp Pozzi kéo cổ tử cung về phía âm môn, tay kia giữ ống đặt (có DCTC) đúng hướng (theo nấc hãm), đẩy DCTC vào qua cổ tử cung theo đúng tư thế tử cung cho tới khi chạm đáy.

+ Rút ống đặt ra ngoài.

+ Cắt đuôi DCTC để lại 3 cm, gấp vào túi cùng sau âm đạo.

6. CHỈ ĐỊNH THÁO DCTC

– Vì lý do y tế:

+ Có thai (nếu thấy dây DCTC mới được tháo).

+ Ra nhiều máu.

+ Đau bụng dưới nhiều.

+ Nhiễm khuẩn tử cung hoặc tiểu khung.

+ Phát hiện tổn thương ác tính hoặc nghi ngờ ác tính ở tử cung, cổ tử cung.

+ DCTC bị tụt thấp.

+ Đã mãn kinh (sau khi mất kinh 12 tháng trở lên)

+ DCTC đã hết hạn (10 năm với TCu 380-A, 5 năm với Multiload): sau khi tháo có thể đặt ngay DCTC khác (nếu khách hàng muốn)

– Vì lý do cá nhân:

+ Muốn có thai trở lại.

+ Muốn dùng một BPTT ( biện pháp tránh thai) khác.

+ Thấy không cần dùng BPTT nào nữa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *