Quá hưng phấn tình dục dẫn tới xuất tinh sớm là nỗi buồn phiền của cánh mày râu. Chẳng có một biện pháp duy nhất hay một thứ thần dược nào có thể chữa khỏi triệt để căn bệnh này. Nhưng thực hiện bí quyết của y học cổ truyền có thể hữu hiệu.
Căng thẳng tâm lý nguy hại cho bệnh
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn – nguyên chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – cho biết trong y học cổ truyền, xuất tinh sớm xuất hiện ở cánh mày râu thuộc phạm vi các chứng “tảo tiết” (tảo là sớm, tiết là xuất tiết tinh dịch), “kê tinh” (kê là gà, kê tinh là xuất tinh nhanh như gà)… Nguyên nhân của bệnh chủ yếu là do:
– Tiên thiên bất túc, nghĩa là quá trình bẩm thụ tinh cha huyết mẹ không đầy đủ, từ nhỏ thận khí vốn đã hư yếu, khả năng cố tinh không tốt.
– Phòng sự bất tiết, nghĩa là sinh hoạt tình dục không điều độ, phần nhiều là thái quá hoặc do thủ dâm quá mức khiến cho thận khí hoặc thận âm bị thương tổn mà ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kìm giữ tinh dịch.
– Tình chí sở thương, nghĩa là đời sống tinh thần bị rối loạn, hoặc uất ức quá nhiều mà hại can, hoặc buồn thương lo nghĩ quá dài mà hại tỳ, hoặc sợ hãi quá mức mà hại thận… Tất cả đều khiến cho công năng các tạng phủ hoạt động mất bình thường mà gây nên bệnh;
– Thấp nhiệt lưu chú, nghĩa là có tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục tạo nên phản xạ kích thích quá mức dễ gây xuất tiết tinh dịch, Đông y gọi là “nhiễu động tinh phòng”.
Để khắc phục tình trạng này, trên quan điểm “chỉnh thể thi trị”, y học cổ truyền khuyên nên sử dụng biện pháp trị liệu mang tính tổng hợp nhằm mục đích đạt được kết quả cơ bản và vững chắc nhất, không quá nhấn mạnh các phương thức điều trị có tính chất tạm thời. Cụ thể bao gồm:
Thay đổi tập quán sinh hoạt, loại bỏ những thói quen xấu như tật thủ dâm, phòng sự quá độ, tạo lập môi trường tiện nghi và thuận lợi cho sinh hoạt tình cảm vợ chồng.
Tìm mọi biện pháp nhằm tạo ra một đời sống tinh thần thoải mái, giàu tình cảm và thông hiểu lẫn nhau. Hết sức tránh những căng thẳng tâm lý bất lợi. Đặc biệt, người vợ phải thấu hiểu, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi phối hợp cùng chồng giải quyết những trục trặc không mong muốn.
Ăn cháo giúp phòng và chữa bệnh?
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh ăn uống hợp lý có lợi cho việc phòng chống bệnh tật theo quan điểm của dinh dưỡng học cổ truyền. Với nam giới quá hưng phấn tình dục dẫn tới xuất tinh sớm nên trọng dụng những đồ ăn thức uống có tính thanh đạm, giàu chất dinh dưỡng, có tính ôn ấm và trợ dương như thịt dê, trứng gà, tinh hoàn và thận động vật, ngẩu pín, cá ngựa, tôm, đông trùng hạ thảo, rau hẹ…
Tránh những thức ăn có tính kích thích mạnh dễ gây căng thẳng thần kinh như cà phê, trà đặc, rượu nặng. Nên sử dụng các món ăn – bài thuốc của y học cổ truyền.
– Cháo trứng gà: Sâm mì hoặc hồng sâm 5g, mạch môn đông 15g, ngũ vị tử 6g, trứng gà 2 quả, đường phèn 30g. Trước tiên nghiền sâm mì hoặc hồng sâm thành bột, cho trứng gà vào quấy đều. Đun mạch môn, ngũ vị tử lấy nước cốt cho thêm đường phèn, đổ hỗn hợp nhân sâm, trứng gà vào tiếp tục quấy đều, đun sôi lại một chút sẽ thành canh trứng hoa. Ngày ăn một lần hoặc cách ngày ăn 1 lần. Chú ý: Không nên ăn lúc sáng đang đói.
– Cháo thỏ ty tử: Thỏ ty tử 30 – 60g, gạo tẻ 2 lạng, đường trắng một lượng nhất định. Rửa sạch thỏ ty tử rồi giã nát vụn hoặc dùng thỏ ty tử tươi 60 – 100g giã nát, đổ nước vào sắc lên lấy nước cốt, sau khi bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo, khi cháo chín cho đường trắng đun sôi lại một chút rồi bắc ra. Món cháo này có tính bổ dưỡng, cường tráng, ôn hòa, phải kiên trì ăn dài ngày – 7 ngày là một liệu trình, chia ra sáng tối 2 lần. Cách 3 – 5 ngày lại ăn.
– Cháo thịt cừu: Thịt cừu nạc 2 lạng, gạo tẻ 2 lạng, một chút muối tinh, hành 2 cây, gừng 3 lát. Lần lượt rửa sạch nhục thung dung, thịt cừu sau đó thái nhỏ. Trước tiên dùng nồi đất sắc nhục thung dung lấy nước cốt, bỏ bã, cho thịt cừu và gạo tẻ vào nấu, đợi sôi cho muối tinh, gừng, hành nấu thành cháo loãng.
Món cháo thuốc này có tính ôn nhiệt, hợp với ăn uống mùa đông, một liệu trình 5 – 7 ngày, mùa hè ăn không thích hợp. Người đi đại tiện lỏng, cơ quan sinh lý vượt quá mức bình thường không nên dùng.
Sử dụng thuốc Đông y một cách hợp lý và khôn ngoan, đúng người, đúng bệnh, không tùy tiện và cẩu thả. Tốt nhất phải được các thầy thuốc chuyên khoa khám xét và cho chỉ định cụ thể.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì tuy cùng một bệnh danh “tảo tiết” nhưng lại được phân ra làm nhiều thể bệnh khác nhau như Âm hư hỏa vượng, Thận khí bất cố, Tâm tỳ lưỡng hư, Can kinh thấp nhiệt, Thận dương hư nhược… và tương ứng với mỗi thể lại phải dùng các vị thuốc và bài thuốc khác nhau.
Nếu chỉ định dùng không đúng thì chẳng những không đem lại hiệu quả gì mà thậm chí còn làm cho tình hình thêm xấu đi.