Bệnh viện thiếu thuốc và vật tư, Bộ Y tế trả lời thế nào về cách tháo gỡ?

Mặc dù Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện, thực tế bệnh viện vẫn thiếu thuốc, vật tư, người bệnh phải đi mua từ băng gạc đến kim tiêm.

Bệnh nhân truyền máu tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương - Ảnh minh họa: DƯƠNG LIỄU
Bệnh nhân truyền máu tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí chiều 15-12, Bộ Y tế cho hay việc thiếu thuốc không phải do văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, cũng không do ảnh hưởng kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá.

Nhiều văn bản tháo gỡ, người bệnh phải tự mua băng gạc, bệnh viện thiếu túi đựng máu?

Về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho hay nghị quyết 30 và nghị định 07 của Chính phủ được ban hành từ đầu năm nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Bộ Y tế cho biết theo báo cáo kết quả trúng thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá của các cơ sở y tế đến nay, đã thực hiện được từ 1/2 đến 2/3 thời gian gói thầu, tùy từng gói thầu và tỉ lệ thực hiện của các cơ sở y tế trung bình đạt khoảng 60% số lượng thuốc trúng thầu được phân bổ.

Việc nhiều cơ sở y tế đã mua được thuốc, một số cơ sở y tế không mua được thuốc không phải nguyên nhân văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, cũng không do ảnh hưởng kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá.

“Qua trao đổi, việc chưa có kết quả đấu thầu thuốc đối với danh mục các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu phần lớn do nguyên nhân khách quan, nhân lực thực hiện công tác mua sắm tại các đơn vị còn mỏng, thiếu cán bộ, nhân viên có chuyên môn về công tác đấu thầu” – ông Lê Việt Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, chia sẻ.

Nhiều cán bộ, nhân viên vừa phải đảm nhiệm công tác khám, chữa bệnh, vừa tham gia công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Cũng theo ông Dũng, để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, thời gian qua cục đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện gia hạn giấy đăng ký, ban hành các văn bản tháo gỡ,…

Hiện cục cũng đang phối hợp để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan Luật Đấu thầu tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế. Dự kiến cuối năm nay sẽ ban hành 2 thông tư liên quan.

Cục cũng đang phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu mua thuốc, đặc biệt là thông tư 06, để các cơ sở có thể mua thuốc với giá phù hợp.

Nghị quyết 30 và nghị định 07 của Chính phủ sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 31-12, việc đấu thầu sẽ thực hiện theo Luật Đấu thầu. Bộ Y tế cho hay đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật.

Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

Bên cạnh đó, bộ cũng khẩn trương hoàn thiện một số dự thảo thông tư về danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá, danh mục thuốc phục vụ công tác đấu thầu…

Sau khi Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực, Bộ Y tế sẽ ban hành các thông tư này để các cơ sở y tế triển khai thực hiện.

Theo ông Dương Đức Thiện, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, thời gian qua nhờ các văn bản đã có tháo gỡ vướng mắc, nhiều bệnh viện đã mua sắm được thiết bị y tế, như Bệnh viện Bạch Mai đã mua được 3 máy chụp cộng hưởng từ, 15 bộ nội soi tiêu hóa, 7 bộ thiết bị phẫu thuật nội soi…, từ 1-1-2024 Luật Đấu thầu có hiệu lực, nghị định hướng dẫn thực hiện luật sẽ bao gồm cả những hướng dẫn tháo gỡ chính sách này nên không lo ngại có “khoảng trống chính sách”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *