Các bệnh viện có thể xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tối đa 500.000 đồng/lượt khám và tối đa 4 triệu đồng/giường/ngày.
Đó là một nội dung trong thông tư số 13 của Bộ Y tế mới ban hành quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Phù hợp với xu thế khám chữa bệnh hiện đại
Khung giá trên là cơ sở để các bệnh viện tăng chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của một số đối tượng người bệnh có thu nhập cao, mong muốn dịch vụ cao cấp và không gian riêng tư nhưng vẫn có những quy định đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm y tế được chăm sóc sức khỏe khi cần.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ban hành khung giá kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu với 1.937 hạng mục, có giá chênh lệch tối thiểu và tối đa dao động từ 20 – 50%.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm (50 tuổi, Hà Nội) cho rằng giá khám chữa bệnh dịch vụ tăng không làm ảnh hưởng nhiều đến người tham gia bảo hiểm y tế trong khi hiện nay nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, thay vì phải chờ đợi, nằm ghép giường, người bệnh có thể lựa chọn dịch vụ để được hưởng chất lượng chăm sóc cao hơn.
“Bản thân tôi cũng rất mong muốn sẽ được các giáo sư, bác sĩ có chuyên môn cao khám dù có thể phải mất thêm chi phí. Với mức tối đa 500.000 đồng/lượt thì không quá cao.
Về giường dịch vụ, người bệnh cũng có thể lựa chọn tùy theo nhu cầu. Nếu nằm viện dài ngày có thể sẽ nằm giường thường bảo hiểm y tế chi trả.
Còn nếu nằm viện ngắn ngày hay bệnh nặng thì tôi cũng muốn nằm giường đơn, phòng riêng để không bị làm phiền. Miễn sao bệnh viện vẫn đảm bảo được cả khám bệnh bảo hiểm y tế thì không có gì đáng lo ngại”, bà Tâm cho hay.
Trong khi đó, nhiều bệnh viện cũng vui mừng khi có quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu khá rộng để các bệnh viện có thể lựa chọn, xây dựng định giá phù hợp với từng cơ sở. Thông tư quy định khung giá này cũng giúp các bệnh viện có thể phát triển khám chữa bệnh dịch vụ, cải thiện thu nhập cho cán bộ y tế.
TS Trần Thanh Tùng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), nhận định giá dịch vụ y tế qua nhiều năm đã lạc hậu, một số bệnh viện cũng đã điều chỉnh phù hợp với thị trường. Thông tư quy định khung giá này giúp các bệnh viện có cơ sở để thống nhất giá dịch vụ.
“Quy định mới này sát với thực tế và là cơ hội để các bệnh viện công lập nâng cao chất lượng cạnh tranh với bệnh viện ngoài công lập. Thực tế các bệnh viện công lập hiện nay đã tự chủ tài chính, vì vậy cần có cơ sở để cạnh tranh, đảm bảo nguồn thu cho cán bộ nhân viên cũng như đầu tư nâng cấp”, TS Tùng nêu.
Giá phải đi đôi với chất lượng
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, hiện nay giá giường dịch vụ xã hội hóa cao nhất là 1,2 triệu đồng/giường/phòng đơn. Phòng dịch vụ được thiết kế khép kín, có tủ lạnh, tivi, giường phụ cho người nhà chăm sóc…
Theo một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện này, với khung giá mới của Bộ Y tế, bệnh viện có thể thu tối đa 4 triệu đồng/giường bệnh. Tuy nhiên, bệnh viện sẽ phải tính toán kỹ nhu cầu sử dụng của người bệnh.
Trong trường hợp tăng giá cần nâng cấp dịch vụ lên để tương xứng với giá tiền. “Không phải bệnh viện nào cũng có thể nâng lên mức tối đa. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các bệnh viện hiện nay, nếu chất lượng không tương xứng với giá tiền thì bệnh nhân sẽ không lựa chọn”, vị này nhận định.