Bệnh Học Nội – ĐHYD TPHCM

Hẹp Van Hai Lá – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

PHẦN 2: SINH LÝ BỆNH HẸP VAN 2 LÁ

IV. SINH LÝ BỆNH

Diện tích lỗ van hai lá bình thường khoảng 4-6 cm2. Khi sự tắc nghẽn có ý nghĩa – lỗ van hai lá nhỏ đến khoảng 2 cm2 (hẹp hai lá nhẹ) – dòng máu có thể chảy từ nhĩ trái xuống thất trái chỉ khi nó được đẩy bởi một khuynh độ áp lực tăng bất thường giữa nhĩ và thất trái. Khi lỗ van hai lá nhỏ đến khoảng 1 cm2 (hẹp hai lá nặng), một khuynh độ áp lực giữa nhĩ thất trái khoảng 20 mmHg (do đó, trong trường hợp áp lực tâm trương thất trái bình thường, áp lực nhĩ trái trung bình khoảng 25 mmHg) là cần thiết để duy trì cung lượng tim bình thường lúc nghỉ.

1. Hậu quả huyết động phía thượng lun dòng máu

Hẹp hai lá gây tăng áp lực nhĩ trái, dầy dãn nhĩ trái, tăng áp lực tiểu tuần hoàn. Nhĩ trái dãn sinh các hậu quả gồm loạn nhịp nhĩ, huyết khối, chèn ép các cơ quan lân cận (chèn ép thực quản gây nuốt nghẹn, chèn ép thần kinh quặt ngược gây khàn tiếng, chèn ép vùng cạnh cột sống gây đau ngực).

Sự kết hợp của bệnh van hai lá và viêm nhĩ thứ phát do viêm tim do thấp gây ra dãn nhĩ trái, xơ hóa vách nhĩ và mất tổ chức các bó cơ nhĩ, dẫn đến tốc độ dẫn truyền khác nhau và thời kỳ trơ không đồng nhất. Hoạt động nhĩ đến sớm, hoặc là do ổ phát nhịp tự động, hoặc là do tái nhập, có thể kích thích nhĩ trái trong thời kỳ dễ đả kích và do đó thúc đẩy rung nhĩ. Sự phát triển loại rối loạn nhịp này tương quan độc lập với độ nặng của hẹp van hai lá, mức độ dãn nhĩ trái, và độ cao của áp lực nhĩ trái. Tần suất rung nhĩ tăng theo tuổi. Hẹp hai lá nặng < 30 tuổi, chỉ 10% rung nhĩ, nhưng nếu những bệnh nhân này > 50 tuổi thì tỉ lệ này là 50%.

Ứ máu trong mao quản phổi, cản trở sự trao đổi khí tại màng phế nang mao quản, gây phù mô kẽ, phù phế nang có biểu hiện khó thở, ho bọt hồng, ho máu. Sau một thời gian, có biến đổi dày, xơ chai thành tiểu động mạch phổi, biến đổi cấu trúc nhu mô phổi làm xơ phổi, áp lực tiểu động mạch phổi và áp lực động mạch phổi tăng nhiều. Tăng áp lực động mạch phổi do các cơ chế sau:

  • Sự lan truyền thụ động ngược dòng của áp lực nhĩ trái tăng.
  • Tiểu động mạch phổi co thắt (tăng áp lực động mạch phổi phản ứng), được xem là do tăng áp lực nhĩ trái và áp lực tĩnh mạch phổi.
  • Phù mô kẽ trong thành của mạch máu phổi nhỏ.
  • Tổn thương thực thể trong mạng mạch máu phổi, được xem là biến chứng của hẹp hai lá nặng và kéo dài.
  • Tăng áp động mạch phổi sinh hở van động mạch phổi cơ năng.
  • Thất phải dày, dãn: tăng áp động mạch phổi khiến thất phải chịu một gánh nặng khi bơm máu vào động mạch phổi nên thất phải dày, dãn, sinh hở van ba lá cơ năng, suy tim phải.
  • Ứ đọng máu tĩnh mạch ngoại biên nhất là chi dưới, sinh huyết khối, nghẽn mạch phổi.

2. Hậu quả phía hạ lưu dòng máu

Lượng máu thất trái giảm, do dó thất trái bình thường hay hơi nhỏ. Áp lực tâm trương và phân suất tống máu thất trái (EF) bình thường trong hẹp hai lá đơn thuần. Mạch ngoại biên nhỏ, huyết áp thường bình thường hay thấp nhẹ. Biến chứng nghẽn mạch có thể xảy ra ở não, gan, lách, thận, mạc treo, tứ chi.

Trên bệnh nhân hẹp hai lá mức độ nặng vừa (lỗ van hai lá 1 – 1,5 cm2), cung lượng tim bình thường hay gần như bình thường lúc nghỉ nhưng tăng dưới mức bình thường khi gắng sức. Trên bệnh nhân hẹp hai lá nặng, đặc biệt những bệnh nhân có kháng lực mạch máu phổi tăng đáng kể, cung lượng tim dưới mức bình thường lúc nghỉ và không thể tăng hay ngay cả giảm trong khi hoạt động. Khoảng 1/3 bệnh nhân hẹp hai lá, hoạt động phun máu thất trái bị giảm (mặc dù chức năng cơ tim bình thường) do giảm tiền tải (tác nghẽn dòng máu vào thất) và tăng hậu tải – hậu quả của sự co mạch phản xạ được tạo nên bởi cung lượng tim giảm.

Hẹp van hai lá là bệnh van tim trái không ảnh hưởng thất trái.

Tham khảo thêm: https://daivietmedical.vn/

Để biết thêm thông tin về giá máy, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline: 0971.199.798 Mr.Sơn

THIẾT BỊ Y TẾ ĐẠI VIỆT – Nhập khẩu và phân phối hàng thiết bị y tế chính hãng tại Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *