3 kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục của trẻ mới lớn

Vừa qua tại Trường tiểu học Vĩnh Hiệp 2, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có xảy ra trường hợp thầy giáo C. có hành vi xâm hại tình dục với học sinh lớp 5 tên N..

Để bảo vệ con, phụ huynh cần trang bị cho các bé kỹ năng nhằm giúp trẻ thoát khỏi sự xâm hại tình dục - Ảnh: minh họa
Để bảo vệ con, phụ huynh cần trang bị cho các bé kỹ năng nhằm giúp trẻ thoát khỏi sự xâm hại tình dục – Ảnh: minh họa

Em N. cho biết ông C. đã hai lần dẫn em vào nhà vệ sinh. Sau khi vào nhà vệ sinh, ông C. khóa cửa lại và xâm hại tình dục em N..

Làm sao tránh được những hành vi xâm hại tình dục của trẻ mới lớn?

Trước tiên về mặt khoa học, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi có hai thay đổi quan trọng, đó là thay đổi về thể chất và thay đổi về tâm lý.

Về thể chất, cơ thể phát triển nhanh như chiều cao và cân nặng tăng, cơ bắp phát triển. Dấu hiệu dậy thì bắt đầu xuất hiện. Bé gái bắt đầu có kinh nguyệt, ngực phát triển… Bé trai bắt đầu dương vật to ra, giọng nói trầm dần…

Về tâm lý, trẻ bắt đầu quan tâm đến việc được bạn bè chấp nhận, có thể làm những điều cha mẹ không muốn để được bạn bè yêu thích. Trẻ có thể chịu áp lực từ bạn bè trong việc ăn mặc, nói chuyện và hành động. Trẻ bắt đầu quan tâm đến cơ thể của mình và cơ thể của người khác giới. Có những thay đổi về cảm xúc như dễ cáu kỉnh, nhạy cảm, hay thay đổi tâm trạng.

Trẻ mới lớn suy nghĩ còn non nớt, chưa hiểu biết nhiều về xã hội xung quanh nên có khả năng gặp nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro bị xâm hại tình dục. Để bảo vệ con, phụ huynh cần trang bị cho các bé kỹ năng nhằm giúp trẻ thoát khỏi sự xâm hại tình dục.

3 kỹ năng quan trọng

Kỹ năng đầu tiên là kiến thức về giới tính. Phụ huynh hãy dạy cho trẻ kiến thức về giới tính: dạy trẻ biết bốn vùng nhạy cảm trên cơ thể – miệng, ngực, vùng giữa hai đùi và mông – là vùng riêng tư của bé.

Nhiều trường hợp các bé bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng của vấn đề do còn quá non nớt và thiếu hiểu biết. Phụ huynh cần dạy cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé và dạy cho trẻ biết cách bảo vệ cơ thể trước sự động chạm của người khác nếu trẻ không thích.

Kỹ năng thứ hai là biết cách bảo vệ bản thân. Cần dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể của bản thân mình, không cho bất kỳ ai chạm vào vùng nhạy cảm hay có những hành động ôm ấp, vuốt ve, sờ mó cơ thể mình. Vùng nhạy cảm là của riêng trẻ, kể cả cha mẹ cũng không được chạm vào nếu không có sự đồng ý của trẻ. Hãy dạy cho trẻ cách từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể khiến trẻ thấy khó chịu.

Kỹ năng thứ ba là kỹ năng tự tin để đối phó mọi tình huống. Kỹ năng tự tin là sự tin tưởng vào bản thân, vào khả năng và giá trị của chính mình. Nó thể hiện qua sự thoải mái, tự tin và chủ động trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Nhờ kỹ năng này, trẻ sẽ dễ dàng vượt qua nỗi sợ hãi khi đối mặt với kẻ xấu. Hướng dẫn trẻ cách từ chối dứt khoát và mạnh mẽ những yêu cầu không phù hợp, đặc biệt từ người quen.

Nếu bị tấn công, trẻ cần hét to để kêu cứu và cố gắng chống trả bằng mọi cách. Dạy trẻ cách chạy trốn đến nơi an toàn hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn xung quanh. Dạy trẻ tự tin mạnh dạn tố cáo những kẻ có hành động xấu với trẻ cho cha mẹ và nhà trường.

Ngoài ra, phụ huynh dặn dò trẻ không đi một mình, đặc biệt ở những nơi vắng vẻ hoặc vào ban đêm. Dặn trẻ không tiếp chuyện hoặc đi cùng người lạ, không nhận quà hoặc đi chơi với người lạ. Khuyến khích trẻ cần chia sẻ sớm và nói thật với người lớn như cha mẹ, ông bà nếu trẻ nghi ngờ mình bị xâm hại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *