10 tháng, hơn 220 nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc, lý do gì?

Trong 10 tháng đầu năm 2023, đã có 142 nhân viên y tế tại các bệnh viện quận, huyện và 82 nhân viên y tế tại các trung tâm y tế TP.HCM nghỉ việc. Đầu tư hệ thống y tế cơ sở cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - báo cáo tại buổi giám sát - Ảnh: XUÂN MAI
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – báo cáo tại buổi giám sát – Ảnh: XUÂN MAI

Chiều 6-11, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức buổi giám sát đối với UBND TP và Sở Y tế TP về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở – chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Trước đó, HĐND TP đã giám sát thực tế tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, Bệnh viện quận 4 và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc trong 10 tháng đầu năm

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết sau dịch COVID-19, ngành y tế xác định bốn nhiệm vụ trọng tâm bao gồm nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, củng cố y tế cơ sở phát triển y tế cộng đồng; nâng cao năng lực cấp cứu ngoại viện; hình thành trung tâm y tế chuyên sâu khu vực phía Nam và ASEAN.

Trong năm 2023 có 146/310 trạm y tế được đầu tư sửa chữa nâng cấp cải tạo. Trong đó có 140 trạm được cải tạo, sửa chữa và 6 trạm được xây mới.

Đến nay UBND TP.HCM đã bố trí vốn 296 tỉ đồng. Ban dân dụng công nghiệp đang tiến hành nộp hồ sơ nghiên cứu khả thi, dự kiến quý 1 năm 2024 đấu thầu, khởi công công trình.

Về nhân lực, theo báo cáo Sở Y tế TP, trong 10 tháng đầu năm 2023 có 142 nhân viên y tế tại các bệnh viện quận, huyện nghỉ việc, trong đó 69 bác sĩ, 52 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 21 chức danh khác.

Phía trung tâm y tế các quận, huyện trong 10 tháng đầu năm 2023 có 82 người nghỉ việc, trong đó 35 người là bác sĩ, 33 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là 33 người và 14 chức danh khác.

Lý do? 

Có nhiều lý do thôi việc khác nhau, và hầu hết vì hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên theo báo cáo của các đơn vị, việc giải quyết thôi việc theo nguyện vọng của viên chức nhiều nhất là vì áp lực công việc, không bảo đảm sức khỏe sau dịch COVID-19, mức thu nhập thấp, nhà xa…

Cần điều chỉnh nhiều chính sách 

Trước tình hình này, Phó giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Văn Vĩnh Châu kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Nâng mức lương cơ bản của bác sĩ, điều dưỡng và viên chức làm việc trong ngành y nói chung. Ban hành chính sách cho nhân viên y tế được hưởng chế độ thâm niên nghề y.

Xem xét điều chỉnh các quy định chế độ phụ cấp như: độc hại nguy hiểm, ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm chuyên ngành truyền nhiễm đối với các trường hợp không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm…

Sớm ban hành cơ cấu giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh và sớm có quy định việc bác sĩ, điều dưỡng có nghĩa vụ làm việc có thời hạn tại tuyến y tế cơ sở.

Đối với Bộ Y tế, kịp thời tháo gỡ những vấn đề liên quan đến mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị để phục vụ cho người bệnh, giúp đảm bảo công tác và có chính sách tăng thu nhập giúp đời sống nhân viên y tế không bị sụt giảm.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết suốt thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư cho ngành y tế vì đây là lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp sức khỏe người dân, đặc biệt là giai đoạn COVID-19 nhiều vấn đề được thể hiện rõ hơn.

Tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM đối với UBND TP, Sở Y tế về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở – chính sách sức khỏe toàn dân”, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết ngành y tế có trách nhiệm đầu tiên trong việc phát triển y tế cơ sở, nhưng một mình ngành y tế không thể đẩy mạnh y tế cơ sở phát triển.

Để làm được điều này cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, quận huyện dưới sự lãnh đạo của UBND TP và HĐND TP.

Tại huyện Củ Chi, cách đây khoảng 8 năm, Bệnh viện huyện Củ Chi chỉ có 13 bác sĩ và hiện nay đã trên 100 bác sĩ mặc dù TP chưa có cơ chế riêng cho huyện Củ Chi.

Điều này cho thấy vai trò của chính quyền địa phương trong việc thu hút nhân viên y tế về tuyến y tế cơ sở, trong khi nhiều địa phương khác không tuyển được người.

“Y tế cơ sở là một trung tâm mà đỉnh phía trên là sự chỉ đạo của UBND TP và hai đáy phía dưới là chính quyền địa phương quận, huyện và ngành y tế”, ông Thượng nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *